Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ Gửi thư In Tăng sáng Giảm sáng

Ý nghĩa từ chuyến đi nghiên cứu thực tế của học viên lớp bồi dưỡng kiến thức dân tộc đối tượng 3 tại xã Yến Dương, huyện Ba Bể.

( Cập nhật ngày: 02/08/2024 )

Nghiên cứu thực tế là một trong những nội dung tại Quyết định số 978/QĐ-UBDT ngày 19/12/2023 của Ủy ban Dân tộc ban hành chương trình bồi dưỡng kiến thức dân tộc đối với cán bộ, công chức, viên chức nhóm đối tượng 3 trong nội dung 1, tiểu dự án 2, dự án 5 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi nhằm thực hiện phương châm lý luận liên hệ với thực tiễn, gắn lý thuyết với thực hành, gắn việc học tập lý luận với thực tiễn công tác ở cơ sở.  Theo đó, ngày 31/7/2024, Sở Nội vụ phối hợp với Học viện Dân tộc tổ chức cho học viên lớp bồi dưỡng kiến thức dân tộc (lớp 2) đi nghiên cứu thực tế tại xã Yến Dương, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn.

                               H/a: Đoàn thực tế làm việc tại UBND xã Yến Dương

Tham gia đoàn nghiên cứu thực tế có ông Lê Văn Hội, tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nội vụ; Tiến sĩ Trịnh Quang Cảnh, nguyên Phó Giám đốc Học viện Dân tộc; Ban tổ chức lớp và 79 học viên là cán bộ, công chức, viên chức giữ chức danh lãnh đạo cấp phòng và tương đương hiện đang công tác tại các cơ quan, đơn vị, địa phương trong toàn tỉnh.

Tại buổi làm việc, đoàn được nghe báo cáo tình hình phát triển kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng; công tác dân tộc, kết quả thực hiện chính sách dân tộc trên địa bàn xã Yến Dương năm 2024. Ông Hà Văn Quý, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã cho biết: Xã Yến Dương nằm ở phía nam của huyện Ba Bể, có tổng diện tích tự nhiên là 3.980,08ha; có 645 hộ với 2.788 khẩu. Toàn xã có 09 thôn trong đó còn 7 thôn thuộc diện đặc biệt khó khăn. Đời sống nhân dân chủ yếu là sản xuất nông, lâm nghiệp, kinh tế còn gặp nhiều khó khăn; Cuối năm 2023 hộ nghèo trên địa bàn xã còn 155 hộ/645hộ =24,03% gồm 567 nhân khẩu; Hộ cận nghèo còn 70 hộ/645hộ = 10,85% gồm 321 nhân khẩu. Xã luôn quan tâm thực hiện tốt chính sách dân tộc, tôn giáo. Hiện trên địa bàn xã có có 4 dân tộc chính cùng sinh sống gồm: Kinh, Tày, Nùng, Dao và không có người dân theo đạo. Địa phương luôn chủ động thực hiện tốt các chế độ, chính sách cho gia đình chính sách, người có công (có 13 người đang hưởng chế độ trợ cấp hàng tháng đối với người có công), công tác an sinh xã hội luôn được đảm bảo. Các chế độ được chi trả kịp thời, đúng đối tượng và đúng các quy định của nhà nước;…

                    H/a: Ông Hà Văn Quý, Chủ tịch UBND xã phát biểu tại buổi làm việc

Phát biểu tại buổi làm việc với UBND xã, ông Lê Văn Hội, Giám đốc Sở Nội vụ nhấn mạnh: Lớp bồi dưỡng kiến thức dân tộc là một trong những tiểu dự án của Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào DTTS&MN. Trước yêu cầu của nhiệm vụ mới, để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân tộc và công tác dân vận của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi thì việc bồi dưỡng kiến thức dân tộc cho CBCCVC là rất quan trọng, nhằm trang bị tri thức, kiến thức cơ bản về đặc điểm, phong tục tập quán, bản sắc văn hóa các dân tộc; quan điểm, chủ trương của đảng; chính sách, pháp luật của nhà nước đối với đồng bào các dân tộc, từ đó làm tốt công tác tham mưu, đề xuất với lãnh đạo cơ quan, đơn vị tổ chức thực hiện tốt công tác dân tộc trong tình hình mới. Do vậy, Đoàn thực tế không chỉ tìm hiểu các vấn đề về dân tộc và công tác dân tộc mà để nắm tình hình phát triển của địa phương, những khó khăn hạn chế của đồng bào để tham mưu sử dụng hiệu quả nguồn vốn của Trung ương tại các Chương trình mục tiêu quốc gia; từ thực tế để có đề xuất sử dụng chính sách hiệu quả; qua cách làm của từng địa phương để học hỏi, tiếp cận những cách làm hay mang về địa phương mình nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của bà con.

        H/a: Ông Lê Văn Hội – Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nội vụ phát biểu tại buổi làm việc

Tại chuyến đi thực tế, đoàn được đến tham quan, làm việc tại Hợp tác xã Nhung Lũy – một trong những HTX phát triển và tạo dấu ấn trên thị trường tại tỉnh Bắc Kạn nói chung và tại Yến Dương nói riêng. Chị Đinh Tuyết Nhung – Giám đốc HTX cho biết: HTX Nhung Lũy ban đầu là một tổ hợp tác sản xuất bí xanh thơm, chăn nuôi lợn, gà, trồng lúa, trồng rừng, khởi điểm ban đầu là 07 hộ nghèo. Thời gian đầu, các thành viên trong tổ còn lúng túng trong việc phát triển kinh tế và giảm nghèo, sản phẩm làm ra tiêu thụ còn nhiều khó khăn và giá trị chưa cao, thu nhập chưa ổn định. Sau khi được tham dự buổi tuyên truyền về mô hình kinh tế tập thể do đoàn thanh niên phối hợp với huyện Ba Bể tổ chức, chúng tôi nhận thấy, khi liên kết các hộ dân sản xuất tập trung là hướng đi đúng để phát triển kinh tế ở nông thôn, giúp cho các thành viên làm ra sản phẩm có thương hiệu bán ra thị trường với số lượng lớn hơn và gia tăng giá trị cao hơn. Do vậy từ giữa năm 2018, các thành viên đã thống nhất thành lập HTX và đăng ký các sản phẩm trên để tham gia Chương trình OCOP. Đến nay, HTX đã sản xuất theo chuỗi, ứng dụng công nghệ, máy móc hiện đại để hoàn thiện từ chất lượng đến bao bì, vận chuyển, xây dựng thương hiệu. Sản phẩm của HTX đã vào được một số siêu thị, cửa hàng nông sản sạch, nhà hàng, siêu thị mini, trạm dừng nghỉ tại các địa phương… Các thành viên cũng có mức thu nhập ổn định, doanh thu hàng năm đạt gần 30 tỷ/năm, tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương. Năm 2024, HTX được trao giải “Ngôi sao hợp tác xã 2024”.

                  H/ảnh: Học viên tìm hiểu, trao đổi tình hình phát triển tại HTX Nhung Lũy

Cũng tại buổi làm việc, các địa phương đã trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm phát triển hợp tác xã với mong muốn quảng bá nhiều sản phẩm của bà con tới mọi vùng miền.

                               H/ảnh: Học viên và những sản phẩm của HTX Nhung Lũy

                           H/a: Đại diện Đoàn thực tế chụp ảnh lưu niệm tại HTX Nhung Lũy

Đại diện lớp bồi dưỡng, Học viên Triệu Quang Hùng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra huyện ủy Chợ Đồn đề xuất HTX Nhung Lũy có sự kết nối, hỗ trợ cho các HTX khác trong toàn tỉnh mang sản phẩm của bà con có mặt tại các siêu thị như cách HTX Nhung Lũy đang làm. Cũng tại buổi làm việc tại UBND xã, học viên phát biểu: Chuyến đi thực tế đã  giúp học viên có thêm những góc nhìn toàn diện về tình hình địa phương, biết thêm cách làm mới, làm hay, tạo động lực và truyền cảm hứng cho chúng tôi trong việc thực hiện nhiệm vụ, tinh thần vượt khó, vượt khổ và không nản lòng không chỉ cần thiết với người nông dân mà còn với cán bộ, công chức, viên chức trong việc thực thi nhiệm vụ hiện nay.

H/ảnh: Đại diện học viên phát biểu tại buổi làm việc, trao đổi tình hình thực tiễn tại địa phương

Cũng nhân dịp này, lớp bồi dưỡng đã trao tặng 06 xuất quà với tổng trị giá 3.000.000đ cho 06 hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn xã nhằm chia sẻ với những khó khăn, động viên bà con vươn lên trong cuộc sống.

                    H/ảnh: Đại diện lãnh đạo Sở Nội vụ và lớp tặng quà cho các hộ gia đình

Tin tưởng rằng, với sự chung sức, đồng lòng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã trong phát triển kinh tế – xã hội, Yến Dương sẽ thực hiện hiệu quả các dự án trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tại địa phương, sớm đạt đích nông thôn mới trong năm 2024 theo lộ trình của UBND huyện Ba Bể./.

Tg: Phương Anh