Tin hoạt động của Đảng ủy Sở Nội vụ Sở Nội vụ thực hiện nghi thức chào cờ tháng 9 năm 2024 ( Cập nhật ngày: 05/09/2024 )Sáng ngày 04/9/2024, Đảng ủy Sở Nội vụ tiếp tục duy trì thực hiện nghi thức chào cờ đầu tuần và sinh hoạt chính trị tư tưởng tháng 9 năm 2024 theo Hướng dẫn số 03-HD/ĐU ngày 5/3/2021 của Đảng ủy các cơ quan tỉnh Bắc Kạn về việc thực hiện nghi thức chào cờ và lập sổ ghi danh “Người tốt – Việc tốt”. Tại buổi lễ, đ/c Hoàng Thị Nguyệt Quế – Bí thư Chi bộ Công chức, viên chức – Thanh tra đã báo cáo nội dung sinh hoạt chính trị tư tưởng với chủ đề “Bác Hồ với tinh thần tự học“, với một số nội dung chính sau: Mùa hè năm 1911, Bác đặt chân lên đất Pháp, đối với Bác, kể từ thời điểm đó mọi việc từ sinh hoạt hàng ngày, tới công việc, nhằm tìm ra con đường cứu nước, cứu dân đều phải sử dụng tiếng Pháp. Vì thế, nếu không biết tiếng Pháp thì thật là “trở ngại lớn nhất trên con đường tìm đường cứu nước, cứu dân”. Bác đã đặt ra quyết tâm “Nhất định phải học nói, học viết cho kỳ được” và Bác đã tìm ra được phương pháp học cho riêng mình dù trong hoàn cảnh thiếu thốn, khó khăn. Ngay khi còn trên chuyến tàu sang Pháp (dưới các tên Văn Ba) mỗi lúc rảnh rỗi, Bác thường tìm đến hai người lính trẻ đi cùng chuyến tàu để học đọc và viết tiếng Pháp. Họ cho Bác mượn những quyển sách nhỏ in tiếng Pháp. Muốn biết rõ về cái gì, muốn biết đồ vật nào đó viết bằng tiếng Pháp như thế nào, Bác đều chỉ tay hỏi. Tối tối sau khi đi làm về, Bác ghi lại những từ mới vào. Học được chữ nào, Bác ghép chúng lại thành câu thực hành ngay. Ban đầu, Bác tập ghép một vài từ, sau ghép thành đoạn, dần dần Người tập viết thành từng bài dài. Một thời gian sau, Bác tìm đến các tờ báo của Pháp để xin được viết bài đăng báo. Trong những lần gửi bài, Bác nói với mọi người trong Tòa soạn rằng: “Tôi rất sung sướng nếu bài viết này của tôi được đăng, nhưng dù thế nào cũng xin các đồng chí sửa lỗi tiếng Pháp cho tôi”. Sau mỗi lần bài viết của Bác được đăng báo, Bác vui mừng khôn xiết, và theo chỉ dẫn của những chủ bút Bác vẫn không quên xem lại từng câu từng chữ, xem bài viết của mình đúng sai chỗ nào, Toàn soạn báo đã sửa lại cho mình ra sao? Bác tập viết di viết lại, khi thì viết diễn giải ra cho dài, lúc là những đoạn ngắn cho súc tích. Cứ sau mỗi ngày làm việc, dù công việc bận bịu tới đâu, Bác vẫn tranh thủ đọc vài trang tiểu thuyết, vừa để giải trí, thư giãn đầu óc lại vừa để trao dồi kiến thức. Bác tập viết những bài phóng sự. Sáng nào Bác cũng viết từ 5 giờ đến 6 giờ rưỡi, tới 7 giờ Bác lại bắt tay vào công việc. Dù trời nóng hay rét Bác cũng không nản chí. Thấm thoắt thời gian trôi đi, cho đến năm 1922, Bác đã trở thành chủ bút của tờ báo “Người cùng khổ” viết bằng 3 thứ tiếng. Tên báo bằng tiếng Pháp đặt ở giữa, chữ Ả Rập bên trái và bên phải là chữ Hán, tất cả đều do Bác viết. Do Tòa soạn báo không có Ban biên tập thường xuyên, nên nhiều khi Bác phải “cáng đáng” mọi việc từ khâu sửa chữa, biên tập bài vở, tới khâu bán báo. Bài học kinh nghiệm: Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương mẫu mực về tinh thần tự học, lấy tự học làm cốt, làm phương thức chủ yếu để nâng cao trình độ mọi mặt của bản thân. Tự học ở Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành một triết lý nhân văn sâu sắc với một kế hoạch cụ thể, chặt chẽ, khoa học; với một ý chí và quyết tâm bền bỉ, dẻo dai, tinh thần sáng tạo, tranh thủ mọi lúc, mọi nơi để học. Tấm gương sáng của Người là nguồn cổ vũ, nguồn cảm hứng vô tận cho mỗi người Việt Nam xây dựng xã hội học tập hiện nay. Đối với cán bộ, công chức, viên chức tỉnh Bắc Kạn nói chung và công chức, viên chức của Sở Nội vụ nói riêng việc tự học tập, rèn luyện nâng cao trình độ, năng lực về chuyên môn mọi mặt có vai trò hết sức quan trọng trước yêu cầu tiếp tục xây dựng, hoàn thiện nền hành chính chuyên nghiệp, liên chính, hiện đại phục vụ nhân dân theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong giai đoạn hiện nay. Do vậy, để đạt được điều đó mỗi cá nhân công chức, viên chức phải được đào tạo, bồi dưỡng, tự học, tự bồi dưỡng và trải qua hoạt động thực tiễn. Trong đó, tự học tập, tự bồi dưỡng có vị trí đặc biệt quan trọng góp phần to lớn vào sự phát triển, hoàn thiện năng lực của mỗi công chức, viên chức. Thực tiễn hiện nay, nhiều công chức, viên chức của Sở Nội vụ luôn có tinh thần tích cực, chủ động, trách nhiệm trong tự học tập, tự bồi dưỡng, rèn luyện (cụ thể là tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng, tự nghiên cứu tài liệu, tự học tập các kỹ năng nói, viết, tự học ngoại ngữ…) và không ngừng tiến bộ, trưởng thành về mọi mặt góp phần xây dựng cơ quan, đơn vị ngày càng phát triển. Để việc tự rèn luyện, tự học, tự bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực của mỗi công chức, viên chức đạt chất lượng, hiệu quả tốt, Chi bộ Công chức, viên chức – Thanh tra đưa ra một số nội dung sau: Một là, thường xuyên giáo dục nâng cao nhận thức, xây dựng động cơ, trách nhiệm đúng đắn cho đội ngũ công chức, viên chức đối với việc tự rèn luyện, tự học tập, tự bồi dưỡng, nâng cao trình độ mọi mặt. Hai là, xây dựng, rèn luyện ý chí quyết tâm phấn đấu vươn lên trong tự học tập, tự bồi dưỡng của mỗi công chức, viên chức. Ba là, hằng năm mỗi công chức, viên chức phải xây dựng kế hoạch tự học tập, rèn luyện, bồi dưỡng thật sự khoa học và quyết tâm thực hiện theo kế hoạch. Bốn là, thường xuyên theo dõi, kiểm tra, giám sát việc tự học tập, rèn luyện, bồi dưỡng của công chức, viên chức trong cơ quan, đơn vị. Tự học tập, tự bồi dưỡng của cá nhân luôn là một trong những biện pháp quan trọng trong công tác bồi dưỡng cán bộ và là biện pháp cơ bản để biến những kiến thức chung thành hiểu biết của cá nhân. Để có năng lực ngày càng hoàn thiện đòi hỏi đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức phải phát huy tốt nhất vai trò tự học, tự bồi dưỡng coi việc học tập là công việc suốt đời. Như Lênin đã từng nói “ Học, học nữa, học mãi”. Ngoài ra, tại buổi lễ, Đảng ủy Sở đã biểu dương các cá nhân tiêu biểu trong thực hiện nhiệm vụ được giao gồm: Bà Lành Thị Minh, Chuyên viên Ban Thi đua – Khen thưởng và bà Hoàng Thị Điệp, Viên chức biệt phái tại Phòng Công chức, viên chức./. Tg: Hoàng Thị Giang |