Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tỉnh Bắc Kạn góp phần xây dựng nền hành chính nhà nước tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả phục vụ phát triển kinh tế – xã hội của địa phương. ( Cập nhật ngày: 10/10/2024 )Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định “muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém[1]”. Lời dạy của Người là sự đúc kết những kinh nghiệm đấu tranh, hoạt động cách mạng, qua đó khẳng định vai trò, tầm quan trọng của đội ngũ cán bộ. Đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vai trò của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) lại càng quan trọng. Có thể nói, CBCCVC chính là sợi dây liên kết giữa đồng bào dân tộc với Đảng, với chính quyền, nhất là chính quyền cơ sở một cách hiệu quả. Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bắc Kạn lần thứ XII nhiệm kỳ 2020-2025 xác định nhiệm vụ “Chú trọng đào tạo cán bộ ở các lĩnh vực mũi nhọn, chuyên gia đầu ngành; đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trên cơ sở căn cứ vị trí việc làm, tiêu chuẩn chức vụ lãnh đạo, quản lý và nhu cầu xây dựng, phát triển nguồn nhân lực của cơ quan, đơn vị; xây dựng chính sách ưu tiên trong tuyển dụng cán bộ người dân tộc thiểu số; thu hút người tài, cán bộ trẻ được đào tạo cơ bản về chuyên môn phù hợp với nhu cầu của địa phương” là một trong những nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo trong phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2020-2025, để tạo chuyển biến đưa Bắc Kạn cơ bản trở thành tỉnh phát triển khá của vùng trung du và miền núi phía Bắc.
Tỉnh Bắc Kạn thuộc vùng trung du và miền núi phía Bắc, có tỷ lệ dân số là người dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ cao (trên 88%[2]). Trong những năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền tỉnh Bắc Kạn đã quan tâm chỉ đạo, chú trọng phát triển, nâng cao chất lượng đội ngũ CBCCVC. Tính đến tháng 12/2023, tổng số CBCCVC toàn tỉnh là 14.056 người, trong đó có 11.881 cán bộ là người dân tộc thiểu số. Về trình độ chuyên môn: 1.049 người có trình độ đào tạo sau đại học, 9.597 người có trình độ đại học, còn lại là trình độ khác. 100% cán bộ đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn quy định trước khi bổ nhiệm ngạch, bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo, quản lý. Triển khai thực hiện các Nghị định, Quyết định của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng CBCCVC và quy định tỉnh ban hành về công tác đào tạo, bồi dưỡng đối với đội ngũ CBCCVC, trong những năm qua, tỉnh Bắc Kạn đã cử nhiều lượt cán bộ tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của địa phương. Cụ thể: Giai đoạn năm 2016 – 2023, UBND tỉnh và các cơ quan, đơn vị, địa phương đã cử hơn 16.286 lượt CBCCVC tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng trong và ngoài nước. Đội ngũ CBCCVC được đào tạo cơ bản ngày càng tăng, chất lượng đội ngũ CBCCVC ngày càng nâng cao về nhiều mặt, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất, đạo đức, có trình độ năng lực nghiệp vụ và số lượng CBCCVC người dân tộc thiểu số giữ các chức danh lãnh đạo, quản lý ở các cơ quan, đơn vị, địa phương ngày càng nhiều. Đội ngũ CBCCVC người DTTS nhất là đội ngũ cán bộ chủ chốt, sau khi tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng đã phát huy năng lực, sở trường, củng cố chuyên môn, góp phần quan trọng vào hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, thực thi nhiệm vụ, công vụ ở các cơ quan, đơn vị, địa phương nhất là tại các địa bàn có nhiều đồng bào người DTTS sinh sống; bảo đảm thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ chính trị của địa phương. Sở Nội vụ đã tham mưu UBND tỉnh thực hiện các chế độ chính sách thu hút, trọng dụng, đãi ngộ nhằm phát triển đội ngũ cán bộ trên địa bàn tỉnh như chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ. Kết quả, năm 2022 tuyển dụng được 01 cán bộ khoa học trẻ người dân tộc thiểu số vào công tác tại Sở Xây dựng theo Nghị định số 140/2017/NĐ-CP ngày 05/12/2017 của Chính phủ về chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ
Thứ nhất, làm tốt công tác xây dựng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt vùng đồng bào dân tộc Mông Để xây dựng, phát triển, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ người dân tộc thiểu số, thì vấn đề quan trọng đầu tiên là xây dựng, củng cố vững chắc hệ thống chính trị cơ sở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc Mông của tỉnh. Những năm qua, Sở Nội vụ tham mưu UBND tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo chính quyền địa phương thực hiện nghiêm túc chức năng, nhiệm vụ theo quy định, không ngừng nâng cao hiệu lực, hiệu quả của chính quyền cơ sở. Chú trọng phát huy vai trò, trách nhiệm và tinh thần gương mẫu của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong thực thi chính sách xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số. Thực hiện Kết luận số 65-KL/TW ngày 30/9/2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW về công tác dân tộc, đến nay tỉnh Bắc Kạn thực hiện tốt chủ trương ở các địa phương người dân tộc thiểu số, nhất thiết phải có cán bộ người dân tộc thiểu số. Thứ hai, chú trọng công tác tuyển dụng, sử dụng cán bộ nói chung và cán bộ là người dân tộc thiểu số nói riêng Tham mưu thực hiện công tác tuyển dụng công chức, viên chức đảm bảo các quy định, triển khai thực hiện tốt chính sách ưu tiên trong tuyển dụng công chức, viên chức đối với người dân tộc thiểu số[3]. Thực hiện đổi mới một số nội dung trong quá trình tuyển dụng: Xây dựng kế hoạch tuyển dụng công chức, viên chức khoa học, hợp lý, gắn với yêu cầu tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức; thành lập Hội đồng tuyển dụng công chức, viên chức theo phân cấp; khu vực thi và phòng thi có thiết bị phá sóng truyền phát tin của các thiết bị công nghệ cao;…từ 2018 đến nay tuyển dụng được 166 người vào công chức trong đó có 153 người dân tộc thiểu số (chiếm 92,2%, trong đó có 8,5% thuộc dân tộc thiểu số đặc biệt ít người thuộc các dân tộc Dao, Mông, Sán Dìu, Lự); tuyển dụng viên chức thuộc các cơ quan, đơn vị, địa phương có trên 80% người dân tộc thiểu số trúng tuyển. Thực hiện Đề án số 04-ĐA/TU ngày 12/8/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tạo nguồn cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số giữ chức danh lãnh đạo, quản lý các cấp nhiệm kỳ 2025-2030, Sở Nội vụ đã tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch số 648/KH-UBND ngày 13/10/2022 triển khai thực hiện tạo nguồn cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số giữ chức danh lãnh đạo, quản lý các cấp nhiệm kỳ 2025-2030. Trong đó chú trọng việc thể chế hóa chủ trương thành chính sách khả thi, có tiêu chí cụ thể gắn với trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương. Mục tiêu là tạo nguồn cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ để bố trí, sử dụng và bổ nhiệm giữ các chức danh lãnh đạo, quản lý bảo đảm về số lượng, chất lượng, có cơ cấu hợp lý và chuyển tiếp vững vàng giữa các thế hệ cán bộ, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Thứ ba, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng; thực hiện các chính sách đối với đội ngũ CBCCVC đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ tại tỉnh. Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bắc Kạn đã ban hành các kế hoạch, quy định các chính sách đối với công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trên địa bàn tỉnh; công tác đào tạo, bồi dưỡng đối với cán bộ được quan tâm thực hiện cả chiều rộng (nhiều hình thức, nội dung, chương trình, lĩnh vực đào tạo, bồi dưỡng) lẫn chiều sâu (chú trọng nâng cao trình độ sau đại học trong đội ngũ cán bộ). Các Đề án, Kế hoạch giai đoạn và hàng năm của tỉnh là cơ sở để các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh thực hiện nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ giai đoạn mới, nhất là yêu cầu trình độ, kỹ năng, nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ trong môi trường giao lưu quốc tế hiện nay. Để xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ đối với tỉnh có đông đồng bào dân tộc thiểu số như Bắc Kạn, tỉnh đã chú trọng bồi dưỡng nguồn cán bộ tại chỗ, trong đó đặc biệt quan tâm bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số, kiến thức dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo cho đội ngũ cán bộ đặc biệt là cán bộ người dân tộc thiểu số. Bởi việc phát huy bản sắc văn hóa, đại đoàn kết các dân tộc sẽ là nền tảng cho quá trình phát triển của địa phương; chỉ khi cán bộ người dân tộc, biết tiếng, am hiểu phong tục, tập quán của dân tộc mình mới hiểu được xuất phát điểm của người dân là gì, người dân có khó khăn gì và cần hỗ trợ như thế nào. Đến nay đã có gần 5.000 cán bộ được bồi dưỡng và có chứng chỉ tiếng dân tộc thiểu số, 2.622 cán bộ được bồi dưỡng kiến thức dân tộc, tổ chức 51 lớp đào tạo, bồi dưỡng về tín ngưỡng, tôn giáo cho hơn 5.350 lượt cán bộ các cấp làm công tác tín ngưỡng, tôn giáo. Thứ tư, đẩy mạnh công tác luân chuyển cán bộ để đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện, thử thách cán bộ trong môi trường thực tiễn Sử dụng cán bộ bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện gắn với thực hiện bí thư cấp ủy không là người địa phương, phù hợp từng vùng đồng bào dân tộc thiểu số là cách mà Bắc Kạn đang triển khai linh hoạt. Từ 2019 đến nay, cán bộ, công chức được cấp có thẩm quyền luân chuyển từ các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh về công tác tại các cơ quan, đơn vị cấp huyện là 23 người (trong đó người DTTS 19 người); từ huyện sang huyện là 02 người (DTTS); từ huyện xuống xã là 59 người (trong đó người DTTS 53 người).. Công tác luân chuyển cán bộ đặc biệt là cán bộ người dân tộc thiểu số đã tăng cường cán bộ cho những lĩnh vực, địa bàn cần thiết, khắc phục tình trạng nơi thừa, nơi thiếu, cục bộ, khép kín. Góp phần thúc đẩy thực hiện chủ trương bố trí lãnh đạo cấp tỉnh, cấp huyện không là người địa phương và người đứng đầu không giữ chức vụ quá hai nhiệm kỳ liên tiếp đồng thời tạo điều kiện cho cán bộ trẻ nói chung và cán bộ trẻ người dân tộc thiểu số nói riêng được rèn luyện, thử thách, tạo nguồn cán bộ lâu dài cho tỉnh.
Thứ nhất, nâng cao vai trò lãnh đạo của cấp ủy đảng, tập trung củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở, nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Thường xuyên quan tâm quán triệt, triển khai, thực hiện có hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết của Đảng về đại đoàn kết dân tộc. Thứ hai, thực hiện đồng bộ và nâng cao chất lượng các khâu công tác cán bộ (tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá…). Trong đó, coi đào tạo, bồi dưỡng cán bộ là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên nhằm xây dựng đội ngũ CBCCVC từ tỉnh đến cơ sở có đủ phẩm chất và năng lực, bản lĩnh chính trị vững vàng. Xác định rõ trách nhiệm của cán bộ trong việc thường xuyên, tự giác học tập, nghiên cứu; khuyến khích, tạo điều kiện để cán bộ tự học tập, chủ động đăng ký tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng theo kế hoạch hoặc chương trình ngoài kế hoạch, ngoài giờ hành chính với hình thức xã hội hóa để nâng cao trình độ, năng lực công tác; gắn kết quả học tập của cán bộ với đánh giá, phân loại mức độ hoàn thành chức trách, nhiệm vụ. Thời gian tới, tập trung tham mưu UBND tỉnh tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ tại Kế hoạch số 569/KH-UBND ngày 28/9/2020 của UBND tỉnh triển khai thực hiện Đề án phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số trong thời kỳ mới trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn; Kế hoạch số 379/KH-UBND ngày 20/6/2022 của UBND tỉnh triển khai thực hiện Chiến lược công tác dân tộc giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh; Kế hoạch số 648/KH-UBND ngày 13/10/2022 của UBND tỉnh triển khai thực hiện tạo nguồn cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số giữ chức danh lãnh đạo, quản lý các cấp nhiệm kỳ 2025-2030;… Thứ ba, phát huy vai trò trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy đảng, cơ quan, đơn vị, địa phương trong triển khai xây dựng và thực hiện nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ nói chung và cán bộ người dân tộc thiểu số nói riêng. Triển khai thực hiện kế hoạch kiểm tra việc thực hiện kỷ luật, kỷ cương hành chính và kiểm tra việc chấp hành các quy định về đạo đức công vụ, văn hóa công sở của cán bộ tại các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh. Thứ tư, thực hiện tốt việc xây dựng vị trí việc làm, danh mục từng vị trí, ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức tương ứng; xây dựng bản mô tả vị trí việc làm và khung năng lực vị trí việc làm; bố trí, sử dụng đúng người, đúng việc đặc biệt là nhân lực có chất lượng cao để sử dụng, phát huy hết khả năng, trình độ của cán bộ người dân tộc thiểu số. Thứ năm, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức. Thực hiện tốt công tác phân công, phân cấp, phối hợp theo các quy định của đảng, nhà nước; nâng cao năng lực quản lý, giảng dạy của các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng đặc biệt là Trường Chính trị tỉnh. Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ trẻ, cán bộ nữ người dân tộc thiểu số. Các cơ quan, đơn vị, địa phương cần thường xuyên rà soát, lựa chọn các nội dung đào tạo, bồi dưỡng thiết thực, phù hợp để phối hợp với cơ quan chuyên môn tham mưu UBND tỉnh, tỉnh ủy xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng hàng năm và giai đoạn. Thứ sáu, huy động nguồn lực, ưu tiên ngân sách cho việc thu hút, đãi ngộ và đào tạo cán bộ trên địa bàn tỉnh. Tập trung thực hiện tốt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, đặc biệt là Dự án 5 phát triển giáo dục đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Trong thời gian tới, bên cạnh những giải pháp mang tính đột phá vào những khâu trọng yếu mang tính đặc thù của công tác cán bộ thì cần nâng cao nhận thức của đội ngũ CBCCVC về sự cần thiết phải học tập, tự bồi dưỡng nhằm nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn, kỹ năng, phương pháp công tác, tu dưỡng đạo đức cách mạng để hoàn thành chức trách, nhiệm vụ tốt hơn. Từ đó, từng cán bộ người dân tộc thiểu số đề cao trách nhiệm chính trị, tinh thần tự giác trong tự học tập, bồi dưỡng năng lực công tác, trình độ chuyên môn để thực sự xứng đáng với vị trí, vai trò của mình. Việc xây dựng đội ngũ CBCCVC trong sạch, vững mạnh là trách nhiệm chung của cả hệ thống chính trị, qua đó góp phần xây dựng nền hành chính nhà nước tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; tăng cường mối quan hệ, tạo dựng niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước, đặc biệt là đồng bào các dân tộc thiểu số phục vụ phát triển kinh tế – xã hội tại địa phương./. [1] Trích tác phẩm “Hồ Chí Minh toàn tập” năm 2011 của Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, Hà Nội. [2] Tại văn bản số 374-BC/TU ngày 30/6/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Kạn tổng kết 10 năm thực hiện quyết định số 218-QĐ/TW ngày 12/12/2023 của Bộ Chính trị khóa XI về ban hành Quy định về việc mặt trận tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị – xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. [3] Người dân tộc thiểu số được cộng 05 điểm trong xét tuyển, thi tuyển công chức, viên chức; được miễn thi môn ngoại ngữ khi dự tuyển vào công tác tại tỉnh; trong các kỳ tuyển dụng, ưu tiên thực hiện xét tuyển đối với các trường hợp hệ cử tuyển của tỉnh. Tg: Trần Thị Phương Anh |