Tập trung phát triển hạ tầng số nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi số. ( Cập nhật ngày: 24/10/2023 )Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ trên quy mô toàn cầu, chuyển đổi số không chỉ là xu hướng mà đã trở thành yêu cầu tất yếu khách quan đối với mỗi quốc gia và trong mọi lĩnh vực. Đối với Việt Nam trong giai đoạn tới cũng đã xác định là một nhiệm vụ trọng tâm của Đảng, Nhà nước ta. Tại Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII chuyển đổi số quốc gia được xác định “Phát triển mạnh mẽ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số để tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh”. Việt Nam chúng ta cũng là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới ban hành chiến lược về chuyển đổi số quốc gia. Từ năm 2022, Việt Nam có Ngày chuyển đổi số quốc gia ( theo Quyết định số 505/QĐ-TTg ngày 22 tháng 4 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ) nhằm nâng cao nhận thức và hành động về chuyển đổi số quốc gia chuyển biến tích cực, lan tỏa ở các cấp, các ngành, các địa phương. Năm 2023 các hoạt động hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia 2023 cũng đã được nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương doanh nghiệp đã tổ chức triển khai trên toàn quốc với nhiều hoạt động thiết thực như là phổ cập, truyền thông bộ nhận diện Ngày Chuyển đổi số quốc gia năm 2023 thông qua việc hiển thị bộ nhận diện trên Cổng thông tin điện tử của cơ quan, địa phương, trên các bảng điện tử, màn hình công cộng thuộc sự quản lý, các trang web, ứng dụng di động của các bộ, ngành, địa phương và trên các báo điện tử của ngành, lĩnh vực, địa phương quản lý từ ngày 01/10/2023 đến ngày 10/10/2023, tổ chức cuộc thi tìm hiểu về chuyển đổi số….. Đối với Bắc Kạn trong thời gian qua tỉnh luôn quan tâm chỉ đạo các sở, ngành, địa phương, doanh nghiệp triển khai đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin và các nền tảng cơ sở dữ liệu chuyên ngành…, góp phần quan trọng vào sự phát triển của tỉnh cũng như hòa chung với mục tiêu chuyển đổi số của cả nước. Để tiếp tục phát triển hạ tầng số đồng bộ với hệ thống kết cấu hạ tầng các ngành, lĩnh vực góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp, tạo nền tảng vững chắc cho phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số, đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, làm cơ sở thu hút đầu tư phục vụ phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Ngày 02/10/2013 Ủy ban nhân dân tỉnh đã bàn hành kế hoạch số 660/KH- UBND ngày 02/10/2023 về Phát triển hạ tầng số trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2023 – 2025 trong đó xác định một số mục tiêu cụ thể như: 100% thôn, bản được phủ băng rộng di động, băng rộng cố định (cáp quang FTTH), UBND cấp xã kết nối mạng truyền số liệu chuyên dùng; 90% thuê bao sử dụng điện thoại thông minh (SMP)/tổng thuê bao điện thoại di động, sử dụng internet; 100% cơ quan quản lý nhà nước dùng hệ sinh thái điện toán đám mây phục vụ Chính phủ số; 70% doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh sử dụng dịch vụ điện toán đám mây do doanh nghiệp trong nước cung cấp; Các ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), internet vạn vật (IoT) bước đầu thâm nhập vào nhiều lĩnh vực kinh tế và xã hội; 100% cơ quan, tổ chức nhà nước; 70% doanh nghiệp sử dụng nền tảng số phục vụ chuyển đổi số. Hình thành hệ sinh thái nền tảng số đáp ứng cơ bản yêu cầu chuyển đổi số của tỉnh Bắc Kạn. Để thực hiện có hiệu quả các mục tiêu trong giai đoạn này tỉnh cũng đã đề ra mục tiêu và giải pháp cụ thể tại kế hoạch đó là đẩy mạnh đầu tư vào các hạ tầng băng rộng, ứng dụng các công nghệ mới ( băng rộng cố định, di động chất lượng cao 4G, 5G trên phạm vi toàn tỉnh; thực hiện lộ trình dừng công nghệ di động 2G và chương trình thúc đẩy sử dụng điện thoại thông minh cho người dân); Phát triển hạ tầng điện toán đám mây (hỗ trợ, khuyến khích các cơn quan, đơn vị doanh nghiệp sử dụng, hạ tầng điện toán đám mây do các doanh nghiệp trong nước cung cấp, phát triển trên địa bàn tỉnh); chuyển đổi cung cấp dịch vụ số, phát triển các nền tảng cung cấp hạ tầng như dịch vụ; phát triển hạ tầng số, nền tảng số (công nghệ AI, IoT, các nền tảng số phục vụ chuyển đổi số ngành của các ngành tế, giáo dục, tài chính, ngân hàng….); Bảo đảm an toàn, an ninh mạng, quyền lợi người dùng. Các giải pháp nêu trên cần sự chung tay, cố gắng của tất cả hệ thống chính trị, chính quyền, các cơ quan chuyên môn cùng doanh nghiệp, người dân trên địa bàn tỉnh. Trách nhiệm chủ trì, phối hợp trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ đã được giao cho Sở Thông tin và Truyền thông trong việc tham mưu chính sách khuyến khích các doanh nghiệp tham gia đầu tư phát triển hạ tầng số, phối hợp với các Sở, ngành, cơ quan chuyên môn trong quá trình triển khai, xây dựng phát triển hạ tầng số;tổng hợp, báo cáo ủy ban nhân dân tỉnh về kết quả thực hiện . Trong thời gian tới để thực hiện có hiệu quả, chất lượng về phát triển hạ tầng số cần tập trung đẩy mạnh hơn nữa công tác thông tin, tuyên truyền để góp phần nâng cao nhận thức của người dân, doanh nghiệp về tầm quan trọng, ý nghĩa, tác động tích cực của chuyển đổi số; Xây dựng hạ tầng số thiết yếu đó là thiết bị viễn thông, dịch vụ viễn thông; Thu hút mọi nguồn lực của xã hội tham gia đầu tư, phát triển hạ tầng số khuyến khích doanh nghiệp tư nhân có đủ năng lực tham gia xây dựng hạ tầng viễn thông cho chuyển đổi số; Nghiên cứu, ứng dụng khoa học – công nghệ tiên tiến, hiện đại, thân thiện môi trường, tiết kiệm năng lượng trong việc thiết lập mạng lưới, phổ cập nhanh các dịch vụ viễn thông đến người dân với chất lượng tốt và giá cước hợp lý; Hợp tác trong nước và quốc tế đặc biết là từ các tỉnh/thành phố về phát triển hạ tầng viễn thông trở thành hạ tầng số. Tg: Hoàng Hạnh |