Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ Gửi thư In Tăng sáng Giảm sáng

Tác động tích cực của việc thông qua chính sách cải cách tiền lương từ ngày 1/7/2024.

( Cập nhật ngày: 01/12/2023 )

Quốc hội thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2024. Nghị quyết nêu rõ, từ ngày 1/7/2024, thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII. Việc Quốc hội thông qua chính sách này có ý nghĩa hết sức quan trọng trong bối cảnh hiện nay để vừa bảo đảm thu nhập gắn với xác định vị trí việc làm, tinh giản biên chế, sử dụng và quản lý hiệu quả đội ngũ công chức, viên chức.

Tại văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định, “Cải cách chính sách tiền lương theo hướng gắn với sự thay đổi của giá cả sức lao động trên thị trường, tương xứng với tốc độ tăng trưởng kinh tế và tốc độ tăng năng suất lao động, bảo đảm nguyên tắc phân phối theo lao động, tạo động lực nâng cao năng suất và hiệu quả.  Bên cạnh đó, cải cách chính sách tiền lương phải gắn với cải cách hành chính, đổi mới, tinh giản, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy. Tuân thủ nguyên tắc phân phối theo lao động và quy luật khách quan của kinh tế thị trường, lấy tăng năng suất lao động, hiệu quả công tác làm cơ sở để tăng lương…

Có thể thấy tiền lương phải là thước đo giá trị của sức lao động và phản ảnh giá trị sức lao động: Đây là chức năng quan trọng bậc nhất của tiền lương. Thực hiện chức năng này đòi hỏi việc xác định tiền lương phải dựa trên cơ sở xác định đúng đắn giá trị sức lao động.

Đây là một trong những khó khăn, phức tạp nhất nhưng không thể không làm. Khi giá trị sức lao động thay đổi thì tiền lương cũng phải thay đổi theo.      Trên thực tế giá trị sức lao động có xu hướng tăng lên (do được bồi dưỡng tri thức, có kinh nghiệm hơn do có thâm niên công tác) nên tiền lương cũng phải theo xu hướng đó mà tăng lên.

Chức năng tái sản xuất sức lao động: Đó chính là khôi phục lại sức lao động đã tiêu hao. Khi mà nguồn sống chủ yếu của người lao động và gia đình họ là tiền lương thì tiền lương ít nhất phải đủ để người lao động bù đắp lại hao phí lao động đã bị tiêu hao trong quá trình làm việc.

Nếu không thực hiện được chức năng này thì sức lao động, khả năng làm việc của người lao động sẽ ngày càng suy giảm, cạn kiệt và sẽ tác động tiêu cực đến quá trình làm việc (năng suất, hiệu quả công việc giảm sút).

Chức năng kích thích lao động: Tiền lương không chỉ để tái sản xuất sức lao động mà còn phải có tác động kích thích người lao động làm việc có hiệu quả. Người quản lý, lãnh đạo phải biết sử dụng tiền lương như một đòn bẩy kinh tế thúc đẩy công việc phát triển. Việc trả lương phải phân biệt được người làm việc có hiệu quả cao với người làm việc kết quả trung bình hoặc yếu kém.

Chức năng tích lũy, để dành: Tích lũy là vấn đề cần thiết khách quan đối với người lao động phòng khi bất trắc có thể xẩy ra.

Thực tế hiện nay, tiền lương của phần đông cán bộ, công chức không đủ chi dùng, do đó không có điều kiện tích lũy. Đây cũng là nguyên nhân của sự biến động lao động, nguyên nhân không muốn tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và nhiều hệ lụy khác.

Việc cải cách lương trong đội ngũ cán bộ công chức mang lại nhiều tác động tích cực như tăng động lực và năng suất lao động hơn mức lương công bằng và hấp dẫn tạo động lực cao, khuyến khích cán bộ nỗ lực hơn trong công việc và tăng cường năng suất lao động. Khi có mức lương cạnh tranh thu hút và giữ chân những tài năng xuất sắc, giúp cơ quan giữ được đội ngũ cán bộ có chất lượng và kinh nghiệm.

Ngoài ra, tạo điều kiện cho phát triển của đội ngũ cán bộ, công chức  đầu tư hơn vào việc học tập và phát triển kỹ năng. Bên cạnh đó cũng giảm áp lực tài chính và giúp giảm nguy cơ tham nhũng trong hệ thống công chức.

Cải cách lương trong đội ngũ cán bộ công chức không chỉ giúp cải thiện cuộc sống của họ mà còn tạo ra môi trường làm việc tích cực, hỗ trợ phát triển của cả tổ chức và cộng đồng.

Nếu tính những cuộc cải cách tiền lương lớn, cơ bản, thì Việt Nam đã thực hiện 3 lần vào các năm 1960, 1985 và 1993. Năm 1960, chuẩn bị cho năm đầu tiên miền Bắc Việt Nam thực hiện kế hoạch 5 năm 1961-1965 xây dựng chủ nghĩa xã hội, chúng ta đã thực hiện cải tiến chế độ tiền lương và bảo hiểm xã hội. Năm 1960 đến 1985, do khó khăn của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, khắc phục hậu quả sau chiến tranh, điều kiện kinh tế, thời gian vật chất không cho phép, chúng ta đã phải thực hiện kéo dài chế độ tiền lương tới 25 năm. Đến năm 1985 mới cải cách được chính sách tiền lương lần thứ 2, trong đó có cải cách về bảo hiểm xã hội và chính sách người có công. Nhưng, do phạm phải những sai lầm lớn trong thực hiện cải cách giá cả – tiền tệ – tiền lương, nên chỉ 8 năm sau (năm 1993) chúng ta đã phải thực hiện cải cách chính sách tiền lương và các chính sách có liên quan lần tiếp theo.

Đến năm 2004 một loạt các điều chỉnh, sửa đổi, tưởng như đó là bước tiếp tục thực hiện cải cách cơ bản chế độ tiền lương, bảo hiểm xã hội, chính sách người có công để thay thế chế độ tiền lương quy định tạm thời năm 1993, nhưng thực chất chỉ là điều chỉnh mức lương tối thiểu do áp lực của giá cả, mở rộng quan hệ tiền lương tối thiểu – trung bình – tối đa, bỏ bớt một số bậc lương. Điều đáng lưu ý là đã bổ sung, mở rộng khá nhiều các chế độ phụ cấp, trợ cấp riêng lẻ cho các đối tượng theo đề nghị của một số bộ, ngành, cơ quan với phương thức “mạnh ai nấy làm” và “xin – cho”! Gọi là phụ cấp, trợ cấp đặc thù, nhưng không ít cơ quan, đơn vị đã trả cho người hưởng lương từ 1,8 đến trên 2 lần chế độ lương hiện hành.

Nhìn lại sau hơn 22 năm thực hiện cải cách chính sách tiền lương, với nhiều nghị quyết, văn bản của Đảng, chỉ đạo, điều hành của Nhà nước và không ít công sức, tiền của, chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và chính sách người có công đã đạt được nhiều bước tiến quan trọng, góp phần phát triển kinh tế, ổn định chính trị, xã hội, cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người lao động hưởng lương, của các đối tượng hưởng lương và trợ cấp từ nguồn ngân sách nói riêng cũng như toàn dân nói chung.

Cải cách toàn bộ chính sách tiền lương nói chung, khu vực hành chính, sự nghiệp công nói riêng ngay sau khi vừa thoát ra khỏi đại dich COVID-19 là một quyết tâm chính trị, là sự quan tâm sâu sắc, đặc biệt của Đảng và Nhà nước đối với các lực lượng lao động đang hoạt động trong nền kinh tế – xã hội. Niềm vui chứa đựng cốt cách vật chất này chắc chắn sẽ có tác động tích cực nhiều mặt đến tinh thần và trách nhiệm của người lao động hưởng lương.

Với chế độ cải cách lương mới, với khu vực công, thiết kế cơ cấu tiền lương và tiền thưởng mới với tỉ lệ hợp lý hơn giữa lương cơ bản, các khoản phụ cấp và bổ sung chế độ tiền thưởng. Đồng thời, xây dựng hệ thống bảng lương mới, quy định mức lương bằng số tiền tuyệt đối theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo. Ngoài ra, sẽ tiến tới thực hiện khoán quỹ lương cho các cơ quan, đơn vị; Bãi bỏ hệ số tiền lương tăng thêm đối với cán bộ, công chức thuộc các cơ quan đang thực hiện cơ chế tài chính đặc thù…

Đối với doanh nghiệp nhà nước, Nhà nước thực hiện điều tiết tiền lương thông qua công cụ quản lý; tách bạch tiền lương của người đại diện vốn nhà nước với tiền lương của ban điều hành; thực hiện nguyên tắc ai thuê, bổ nhiệm thì người đó đánh giá và trả lương.

Cải cách tiền lương tạo ra sự cải thiện trong cơ cấu tiền lương và bảo đảm sự công bằng trong việc trả lương cho đội ngũ công chức, viên chức.

          Nguồn:  https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/