Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ Gửi thư In Tăng sáng Giảm sáng

Quy định mới của Chính phủ về cơ chế tự chủ trong đơn vị sự nghiệp công lập

( Cập nhật ngày: 13/07/2021 )

Ngày 21/6/2021, Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 60/2021/NĐ-CP về việc quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập.

Nghị định này quy định về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập trong các lĩnh vực: giáo dục đào tạo; giáo dục nghề nghiệp; y tế – dân số; văn hóa, thể thao và du lịch; thông tin và truyền thông; khoa học và công nghệ; các hoạt động kinh tế và lĩnh vực khác. Trong đó, quy định cụ thể về quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong việc thực hiện quy định về danh mục sự nghiệp công, giá, phí và lộ trình tính giá dịch vụ sự nghiệp công, phân loại mức độ tự chủ tài chính, tự chủ sử dụng nguồn tải chính, tự chủ trong hoạt động liên doanh, liên kết, quản lý, sử dụng tài sản công và các quy định khác có liên quan.

Về phân loại mức tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công được gồm có 04 nhóm: Đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư (đơn vị nhóm 1); Đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm chi thường xuyên (đơn vị nhóm 2); Đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm một phần chi thường xuyên (đơn vị nhóm 3) và Đơn vị sự nghiệp công do Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên (đơn vị nhóm 4). Trong đó, nguồn tài chính của đơn vị SNCL tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư (đơn vị nhóm 1) và đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên (đơn vị nhóm 2), Nghị định số 60/2021/NĐ-CP quy định cụ thể theo hướng tách rõ nguồn thu. Cụ thể, bên cạnh nguồn ngân sách nhà nước thì nguồn thu hoạt động sự nghiệp bao gồm:

– Thu từ hoạt động dịch vụ sự nghiệp công;

– Thu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh; hoạt động liên doanh, liên kết với các tổ chức, cá nhân theo đúng quy định của pháp luật và được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt đề án phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của đơn vị sự nghiệp công;

– Thu từ cho thuê tài sản công: Đơn vị thực hiện đầy đủ quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công và phải được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt đề án cho thuê tài sản công.

Đối với đơn vị sự nghiệp công do ngân sách sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên, nguồn tài chính của đơn vị từ các nguồn: (1) Nguồn ngân sách nhà nước, gồm: Kinh phí cấp chi thường xuyên trên cơ sở nhiệm vụ được Nhà nước giao, số lượng người làm việc và định mức phân bổ dự toán được cấp có thẩm quyền phê duyệt; Kinh phí chi thường xuyên thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ được cơ quan có thẩm quyền tuyển chọn hoặc giao trực tiếp theo quy định của pháp luật về khoa học và công nghệ; Kinh phí chi thường xuyên thực hiện các nhiệm vụ Nhà nước giao quy định tại điểm d khoản 1 Điều 15 Nghị định này (nếu có); Vốn đầu tư phát triển của dự án đầu tư xây dựng cơ bản được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật đầu tư công. (2) Nguồn thu hoạt động sự nghiệp phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của đơn vị sự nghiệp công lập (nếu có). (3) Nguồn viện trợ, tài trợ theo quy định của pháp luật. (4) Nguồn thu khác theo quy định của pháp luật (nếu có).

Căn cứ vào nhiệm vụ được giao và khả năng của nguồn tài chính, đơn vị sự nghiệp công do Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên (đơn vị nhóm 4) được tự chủ quyết định các nội dung chi nêu tại Điều 20 Nghị định này gồm:

– Chi tiền lương và các khoản đóng góp theo tiền lương: Trong thời gian Chính phủ chưa ban hành chế độ tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW, đơn vị sự nghiệp công áp dụng chế độ tiền lương theo mức lương cơ sở, hệ số tiền lương ngạch, bậc, chức vụ, các khoản đóng góp theo tiền lương và các khoản phụ cấp do Nhà nước quy định đối với đơn vị sự nghiệp công; chi tiền công theo hợp đồng vụ việc (nếu có). Kể từ thời điểm chế độ tiền lương do Chính phủ quy định theo Nghị quyết số 27-NQ/TW có hiệu lực thi hành, đơn vị sự nghiệp công áp dụng chế độ tiền lương theo vị trí việc làm, chức danh, chức vụ và các khoản đóng góp theo tiền lương theo quy định của Nhà nước đối với đơn vị sự nghiệp công; chi tiền công theo hợp đồng vụ việc (nếu có).

– Về nguồn kinh phí thực hiện cải cách tiền lương: Khi Nhà nước điều chỉnh chính sách tiền lương, đơn vị sự nghiệp công thực hiện tiết kiệm 10% chi thường xuyên nguồn ngân sách tăng thêm hằng năm và sắp xếp từ nguồn dự toán ngân sách nhà nước được giao để thực hiện cải cách chính sách tiền lương. Ngân sách nhà nước chỉ cấp bổ sung sau khi đơn vị sử dụng hết nguồn trích lập cải cách tiền lương.

– Chi tiền thưởng: Thực hiện theo chế độ tiền lương do Chính phủ quy định theo Nghị quyết số 27-NQ/TW.

– Chi thuê chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng đặc biệt thực hiện nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, đơn vị.

– Chi hoạt động chuyên môn, chi quản lý: Tối đa không vượt quá mức chi do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quy định.

– Các khoản chi khác nếu có.

Ngoài ra Nghị định quy định về việc tự chủ trong hoạt động liên doanh, liên kết. Theo đó, đơn vị SNCL được quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm liên doanh, liên kết với các tổ chức, cá nhân để hoạt động dịch vụ đáp ứng nhu cầu của xã hội. Việc sử dụng tài sản công vào mục đích liên doanh, liên kết phải bảo đảm các yêu cầu quy định tại khoản 2 Điều 55 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 58 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công. Nghị định này không quy định việc sử dụng thương hiệu, giấy phép, bản quyền tác phẩm để liên doanh, liên kết theo hình thức thành lập pháp nhân mới. Trường hợp liên doanh, liên kết theo hình thức thành lập pháp nhân mới thì đơn vị SNCL thực hiện theo các quy định pháp luật về doanh nghiệp, pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công, pháp luật về đầu tư, pháp luật về sở hữu trí tuệ và pháp luật có liên quan khác. Việc phân chia kết quả của hoạt động liên doanh, liên kết thực hiện theo thỏa thuận trong Hợp đồng liên doanh, liên kết.

Tại Nghị định Chính phủ quy định trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh: Ban hành, sửa đổi, bổ sung danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước thuộc phạm vi quản lý của địa phương theo quy định tại Điều 4 Nghị định này cho phù hợp với tình hình thực tế trong từng thời kỳ. Ban hành, sửa đổi, bổ sung định mức kinh tế – kỹ thuật, định mức chi phí (nếu có) làm cơ sở ban hành đơn giá, giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật về giá và quy định của các pháp luật khác có liên quan để làm cơ sở giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung ứng dịch vụ sự nghiệp công theo quy định tại Nghị định số 32/2019/NĐ-CP của Chính phủ. Ban hành tiêu chí, tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước; cơ chế giám sát, đánh giá, kiểm định chất lượng và quy chế kiểm tra, nghiệm thu dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước thuộc phạm vi quản lý của địa phương; hiệu quả hoạt động của đơn vị sự nghiệp công. Thực hiện thanh tra, kiểm tra, xử phạt vi phạm trong hoạt động cung ứng dịch vụ sự nghiệp công và tổ chức thực hiện các nội dung khác về trách nhiệm quản lý nhà nước đối với dịch vụ sự nghiệp công và đơn vị sự nghiệp công thuộc phạm vi quản lý của địa phương….

Nghị định này có hiệu lực từ ngày 15 tháng 8 năm 2021 nhằm thúc đẩy các đơn vị sự nghiệp vươn lên, tăng cường khả năng tự chủ ở mức cao hơn, thúc đẩy khu vực sự nghiệp công phát triển nhanh, mạnh và bền vững, nâng cao số lượng, chất lượng dịch vụ công, đáp ứng tốt hơn các yêu cầu của phát triển kinh tế – xã hội./.

Nguyễn Thảo