Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ Gửi thư In Tăng sáng Giảm sáng

Những nỗ lực trong thực hiện cải cách hành chính những năm qua trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn

( Cập nhật ngày: 17/07/2024 )

Bắc Kạn là tỉnh miền núi, điều kiện địa lý, giao thông không thuận lợi, điều kiện tự nhiên, xã hội của tỉnh còn nhiều khó khăn so với các tỉnh. Tuy vậy, tỉnh Bắc Kạn luôn chú trọng thực hiện quan điểm Nghị quyết số 76/NQ – CP của Chính phủ là “Cải cách hành chính (CCHC) xuất phát từ lợi ích của người dân, doanh nghiệp; lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm; lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp là thước đo đánh giá chất lượng phục vụ của cơ quan hành chính”. Do đó, trong những năm qua, từ năm 2021 – 2024 tỉnh luôn nỗ lực phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đề ra, hướng tới sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.

             Hội nghị đánh giá thực trạng công tác CCHC giai đoạn 2021-2024 tỉnh Bắc Kạn

Năm 2021, thực hiện các chương trình, kế hoạch, văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương và Nghị quyết về CCHC giai đoạn 2021 – 2025 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, UBND tỉnh Bắc Kạn đã ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 15/7/2021 của Chính phủ và Nghị quyết số 08 -NQ/TU ngày 22/4/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về CCHC, giai đoạn 2021 – 2025. Hằng năm UBND tỉnh ban hành kế hoạch cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp trong Chương trình hành động và ban hành nhiều văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện CCHC theo từng lĩnh vực; tổ chức hội nghị sơ kết, tổng kết đánh giá công tác CCHC hằng năm và họp giao ban định kỳ về công tác chuyển đổi số, CCHC, Đề án 06 để kịp thời chỉ đạo tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện. Tổ chức các cuộc kiểm tra CCHC đồng bộ trên cả 06 lĩnh vực, qua đó kịp thời chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị có các giải pháp khắc phục những tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong thực hiện CCHC tại địa phương, đơn vị.

Duy trì việc đánh giá thực hiện CCHC hằng năm của các đơn vị, địa phương thông qua bộ tiêu chí đánh giá xác định chỉ số CCHC các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, cấp xã; thực hiện đánh giá, xếp loại các cơ quan, đơn vị, địa phương theo Bộ chỉ số chỉ đạo, điều hành và đánh giá chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện TTHC, dịch vụ công theo thời gian thực trên môi trường điện tử  và công bố kết quả đánh giá (theo tháng) tại cuộc họp giao ban về công tác chuyển đổi số, CCHC và Đề án 06 do Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì, qua kết quả chỉ số các đơn vị, địa phương biết được những hạn chế trong thực hiện CCHC của đơn vị, từ đó tập trung chỉ đạo thực hiện có hiệu quả.

Ngoài ra, công tác chỉ đạo, điều hành được tỉnh gắn liền với các cuộc phát động thi đua thực hiện công tác CCHC trên địa bàn tỉnh. Năm 2023, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch phát động đợt thi đua “Đẩy mạnh CCHC, thu hút đầu tư góp phần thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh 3 tháng cuối năm 2023”; năm 2024, ban hành kế hoạch tổ chức các hoạt động thi đua nâng cao chất lượng, hiệu quả giải quyết TTHC tại Bộ phận một cửa các cấp trên địa bàn tỉnh.

Qua các hình thức chỉ đạo, điều hành trên của UBND tỉnh đã giúp người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương thể hiện rõ sự quan tâm, có giải pháp cụ thể trong thực hiện CCHC tại đơn vị, góp phần đẩy mạnh công tác CCHC của tỉnh. Một số kết quả CCHC của tỉnh trong những năm qua:

Về cải cách thể chế: Công tác xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) của tỉnh đã dần đi vào nền nếp và đạt được kết quả tích cực. Các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh chủ động dành thời gian và nguồn lực trong việc tham mưu xây dựng, ban hành VBQPPL thuộc thẩm quyền của địa phương để cụ thể hóa các chủ trương, định hướng của Đảng, văn bản pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên. Việc tham mưu xây dựng, ban hành VBQPPL được thực hiện đầy đủ, đúng quy định về trình tự, thủ tục của Luật Ban hành VBQPPL. Từ đó, góp phần tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho hoạt động quản lý nhà nước ở địa phương, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Từ năm 2021 – 6/2024, Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh ban hành 63 nghị quyết và UBND tỉnh ban hành 125 quyết định QPPL.

Về cải cách thủ tục hành chính: Công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC) được quan tâm thực hiện quyết liệt, trong tâm là đẩy mạnh rà soát, đánh giá TTHC để kiến nghị đơn giản hóa các TTHC, trong đó năm 2023 tỉnh đã tập trung rà soát, đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa, rút ngắn thời gian giải quyết TTHC, đơn giản hóa quy định, TTHC liên quan đến hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh và đời sống người dân. Kết quả rà soát, có tổng số 143TTHC/306TTHC (đạt 46,73%) có kiến nghị thiết thực, đáp ứng mục tiêu, yêu cầu của kế hoạch rà soát; các kiến nghị, phương án đã được Chủ tịch UBND tỉnh quyết định thông qua và gửi Văn phòng Chính phủ, các bộ, ngành liên quan theo quy định. Tỉnh triển khai nhiều giải pháp trong cải cách TTHC như giải quyết TTHC theo hình thức “không chờ”; “Ngày không giấy hẹn”, “Ngày dịch vụ công trực tuyến”; các mô hình: “Ngày thứ Hai không giấy và không dùng tiền mặt”; “30 phút tăng thêm vì dân”, “Sáng thứ Bảy vì dân”…

Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh và Bộ phận Một cửa cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh duy trì thực hiện tốt việc tiếp nhận, trả kết quả giải quyết TTHC cho cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông qua phần mềm một cửa điện tử đã mang lại hiệu quả thiết thực. Việc giải quyết TTHC được công khai, minh bạch, nhất là các hồ sơ giải quyết qua dịch vụ công trực tuyến cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp sẽ theo dõi được trạng thái tiến độ giải quyết hồ sơ TTHC của mình. Qua đó, giảm công sức, thời gian đi lại và được sự đồng tình, ủng hộ của người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, góp phần vào mục tiêu cải cách TTHC phục vụ nhân dân ngày càng tốt hơn.

Về cải cách tổ chức bộ máy: Tổ chức bộ máy thường xuyên được rà soát sắp xếp tinh gọn theo Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6, Trung ương 7 (khóa XII), Nghị quyết của Chính phủ và Đề án, Chương trình, Kế hoạch của Tỉnh ủy về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Từ năm 2021 – 2024 trên địa bàn tỉnh đã giảm 03 chi cục và tương đương; giảm 03 phòng của các cơ quan, tổ chức hành chính thuộc UBND tỉnh và giảm 14 đơn vị sự nghiệp công lập.

Về cải cách chế độ công vụ: Vị trí việc làm (VTVL) các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp thường xuyên được rà soát xây dựng, điều chỉnh và sắp xếp phù hợp với bản bản mô tả, khung năng lực theo quy định mới. Từ năm 2020 – 12/2022, tỉnh tiếp tục quản lý, sử dụng, bố trí công chức, viên chức theo danh mục VTVL đã được Bộ Nội vụ phê duyệt (đối với công chức) và danh mục VTVL do UBND tỉnh phê duyệt theo Nghị định số 41/2012/NĐ-CP ngày 08/5/2012 của Chính phủ và Nghị định số 36/2013/NĐ-CP ngày 22/4/2013 của Chính phủ với tổng số 5.349 VTVL; đồng thời thường xuyên rà soát, điều chỉnh bổ sung VTVL đối với các cơ quan, đơn vị theo quy định. Năm 2023, thực hiện các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương UBND tỉnh Bắc Kạn đã phê duyệt 30 Đề án VTVL công chức của các cơ quan, tổ chức hành chính cấp huyện, cấp tỉnh với tổng số 2.247 vị trí; xác định 17 VTVL cán bộ, công chức cấp xã; phê duyệt VTVL, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp của 351 đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên và do ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên với tổng số 1.081 VTVL; phê duyệt VTVL theo quy định tổng số 200 vị trí tại các tổ chức hội. Theo quy định phân cấp hiện hành của tỉnh, các đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên trên địa bàn tỉnh quyết định phê duyệt VTVL, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp với tổng số 328 VTVL.

Tổ chức tuyển dụng công chức, viên chức theo đúng các quy định hiện hành. Từ năm 2020 – 2024, UBND tỉnh tổ chức 03 kỳ tuyển dụng công chức, kết quả tuyển dụng được 120 công chức; tuyển dụng được 01 công chức theo Nghị định số 140/2017/NĐ – CP ngày 05/12/2017 của Chính phủ về chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn. Theo phân cấp các cơ quan, đơn vị đã tuyển dụng được 909 viên chức. Các kỳ tuyển dụng diễn ra an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế, có tính cạnh tranh cao trong từng VTVL, tạo điều kiện thuận lợi để các cơ quan, đơn vị lựa chọn được thí sinh xuất sắc nhất của từng VTVL.

Hàng năm tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng thực thi nhiệm vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh, trong đó chú trọng gắn đào tạo, bồi dưỡng với quy hoạch cán bộ và tiêu chuẩn chức danh, vị trí việc làm.

Việc nâng cao trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã trên địa bàn tỉnh được quan tâm. Tỉnh đã ban hành các văn bản quy định tiêu chuẩn về trình độ đào tạo đối với cán bộ, công chức cấp xã; ban hành Quy chế tuyển dụng công chức xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh; thường xuyên tổ chức các lớp bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn cho cán bộ, công chức cấp xã. Đến tháng 6/2024, toàn tỉnh có 2.089 cán bộ, công chức cấp xã, trong đó: Về độ tuổi và trình độ giáo dục phổ thông cơ bản đảm bảo đáp ứng tiêu chuẩn theo quy định hiện hành. Về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, có 1.787 cán bộ, công chức cấp xã có trình độ đào tạo đại học và sau đại học, chiếm 85,54%; trình độ cao đẳng 55 người, chiếm 2,63%; trình độ trung cấp 247 người, chiếm 11,83%. Về trình độ lý luận chính trị, cơ bản đáp ứng tiêu chuẩn theo quy định, trình độ từ trung cấp trở lên có 1.720 người, chiếm 82,34%; sơ cấp 154 người, chiếm 7,37%; chưa qua đào tạo 215 người, chiếm 10,29%. trung cấp trở lên; 82,15% cán bộ, công chức cấp xã có trình độ chuyên môn đại học trở lên.

Về cải cách tài chính công: Cơ chế tự chủ về kinh phí, tài chính được các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp trên địa bàn tỉnh duy trì thực hiện theo quy định của Chính phủ. Hiện nay, 100% cơ quan, đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã và các đơn vị sự nghiệp công lập đã thực hiện chế độ tự chủ. Tổng số đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh là 399 đơn vị (bao gồm cả các đơn vị sự nghiệp khối đảng, đoàn thể), trong đó tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư 01 đơn vị; tự bảo đảm chi thường xuyên 17 đơn vị; bảo đảm một phần chi thường xuyên 34 đơn vị; do  ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên 347 đơn vị. Việc giao quyền tự chủ về tài chính đã giúp các đơn vị sự nghiệp công lập chủ động trong việc sử dụng biên chế, tài sản và kinh phí một cách hợp lý, tăng cường khai thác nguồn thu, thu đúng, thu đủ để đảm bảo yêu cầu hoạt động của đơn vị, phát triển và mở rộng các hoạt động dịch vụ ngày càng đa dạng và phong phú hơn, nâng cao được chất lượng dịch vụ, đầu tư thêm được cơ sở vật chất; tạo được những chuyển biến tích cực trong quản lý tài chính, ngân sách ở các cơ quan, đơn vị và tạo ra cơ chế khuyến khích các cơ quan, đơn vị chi tiêu có hiệu quả, hướng đến kết quả đầu ra, tiết kiệm ngân sách.

Về thực hiện hoạt động dịch vụ sự nghiệp công không sử dụng ngân sách nhà nước, hoạt động dịch vụ khác được một số đơn vị quan tâm và đã xây dựng đề án sử dụng tài sản công vào mục đích cho thuê, kinh doanh, liên doanh, liên kết nhằm tạo nguồn để gia tăng nguồn thu của đơn vị, địa phương. Các nhiệm vụ đặt hàng, giao nhiệm vụ được triển khai đảm bảo về chất lượng, thời gian và đủ điều kiện nghiệm thu kết quả; thông qua hoạt động đặt hàng, chất lượng các dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước được nâng cao.

Về xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số: Việc xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số có chuyển biến tích cực. Các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu được triển khai ngày càng đồng bộ, đảm bảo kết nối, chia sẻ dữ liệu tạo thuận lợi cho người sử dụng và người dân, doanh nghiệp khai thác, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý của chính quyền các cấp. Người dân, doanh nghiệp từng bước thay đổi thói quen và bước đầu sử dụng các ứng dụng số do các cơ quan nhà nước triển khai.

Hạ tầng mạng lưới viễn thông của tỉnh hiện có 01 tổng đài cố định trung tâm (host), 07 tổng đài vệ tinh, 03 trạm visat IP, 51 điểm chuyển mạch, 02 tuyến viba. Toàn tỉnh hiện có 7.285 km cáp quang, 882 trạm BTS, 01 trạm điều khiển thông tin di động BS (so với năm 2020, số lượng trạm BTS tăng 280 trạm, số km cáp quang tăng 3.754 km). Mạng lưới viễn thông đã kết nối thông suốt 03 cấp đảm bảo phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của các cơ quan, đơn vị, địa phương; đáp ứng cơ bản nhu cầu ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin, chuyển đổi số của người dân, doanh nghiệp. Đến nay 100% xã, phường, thị trấn được phủ sóng di động 3G/4G; quang hóa 100% hạ tầng đường truyền tới các cơ quan, đơn vị, địa phương; 100% cơ quan, đơn vị, địa phương được kết nối mạng truyền số liệu chuyên dùng và được chuẩn hóa kết nối giám sát 04 cấp hành chính. Số thuê bao điện thoại trên địa bàn tỉnh đạt 353.886 thuê bao; số thuê bao điện thoại smartphone đạt 87% dân số; mật độ điện thoại đạt 90,5 máy/100 dân; số thuê bao internet đạt tỷ lệ 91% dân số. Tỷ lệ người dùng internet đạt 91%; số hộ gia đình có người có điện thoại thông minh đạt 95%. Mạng truyền số liệu chuyên dùng được tỉnh triển khai đến 100% cơ quan cấp tỉnh, UBND cấp huyện, cấp xã và được chuẩn hóa kết nối giám sát 04 cấp hành chính đảm bảo an toàn, bảo mật thông tin, kết nối ổn định.

Phần mềm quản lý văn bản và điều hành được duy trì thực hiện tại 100% cơ quan quản lý nhà nước, Đảng, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở và các cơ quan trung ương đóng trên địa bàn tỉnh. Hệ thống đảm bảo liên thông gửi, nhận văn bản 04 cấp qua trục liên thông văn bản quốc gia. Tỷ lệ văn bản trao đổi giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương hoàn toàn bằng điện tử đạt 91% (trừ các văn bản mật).

Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh đã kết nối, chia sẻ với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Hiện nay, hệ thống cung cấp 1.771/1.771 TTHC của tỉnh; tiếp nhận, xử lý 149.016 hồ sơ. Tỷ lệ cung cấp dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) toàn trình trên tổng số dịch vụ công đủ điều kiện lên toàn trình đạt tỷ lệ 100%; tỷ lệ DVCTT phát sinh hồ sơ trực tuyến trên tổng số DVCTT có phát sinh hồ sơ đạt 91%; tỷ lệ hồ sơ xử lý trực tuyến trên tổng số hồ sơ giải quyết TTHC đạt 45,8%; tỷ lệ tài khoản của người dân, doanh nghiệp có sử dụng DVCTT đạt 38,7%. Hệ thống hồ sơ sức khỏe điện tử của ngành Y tế được triển khai, nâng cấp phát huy tốt hiệu quả sử dụng. Tỷ lệ người dân (từ 14 tuổi trở lên) có tài khoản định danh điện tử đạt 58,7%. 100% doanh nghiệp, tổ chức đã thực hiện việc kê khai thuế, nộp thuế, hoàn thuế thông qua phương thức điện tử; 100% tổ chức, doanh nghiệp, hợp tác xã đã thực hiện đăng ký hóa đơn điện tử trên hệ thống.

Những kết quả đạt được trên là tích cực nhưng chưa tác động mạnh đến sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Chỉ số CCHC và chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước Bộ Nội vụ đánh giá năm 2022 và năm 2023 đạt thấp. Tỷ lệ hồ sơ TTHC phát sinh qua DVCTT, tỷ lệ thanh toán trực tuyến phí, lệ phí trên Cổng dịch vụ công quốc gia còn thấp, chưa đạt tỷ lệ theo quy định. Số lượng biên chế công chức, biên chế viên chức của tỉnh được trung ương giao thấp hơn mặt bằng chung các tỉnh trong cả nước nên việc giao biên chế cho các cơ quan, đơn vị cơ bản chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Chính sách thu hút nhân lực chất lượng cao của tỉnh chưa đủ sức thu hút sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ vào làm việc trong các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh theo quy định của Chính phủ. Mức độ tự chủ đối của các đơn vị sự nghiệp công lĩnh vực giáo dục, y tế trên địa bàn nhìn chung còn thấp, do yếu tố về địa bàn, nhu cầu của người dân chưa cao. Còn một số thôn bản, cụm dân cư chưa có sóng thông tin di động 3G, 4G và chưa có dịch vụ internet cáp quang băng rộng cố định.

Với những kết quả đạt được trong những năm qua và những khó khăn, hạn chế chỉ ra, UBND tỉnh Bắc Kạn đã đề ra một số nhiệm vụ giải pháp cụ thể đối với từng lĩnh vực CCHC để thực hiện trong thời gian tới, trong đó chú trọng nhiệm vụ giải pháp chỉ đạo, điều hành gắn với việc kiểm tra, giám sát và đánh giá kết quả thực hiện./.

(Nguồn: theo Báo cáo số 444-BC/BCSĐ ngày 28/6/2024 của Ban cán sự đảng UBND tỉnh Bắc Kạn)

Tg: Lý Thị Thuấn