Một số giải pháp trong xây dựng và thực hiện Đề án vị trí việc làm trong đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn ( Cập nhật ngày: 23/05/2023 )Xây dựng vị trí việc làm là một trong những giải pháp căn bản để thực hiện tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, cải cách tiền lương… Với tầm quan trọng như vậy, trong những năm qua, các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh đã quan tâm triển khai xây dựng và thực hiện Đề án vị trí việc làm và đã đạt được một số kết quả quan trọng. Cụ thể, năm 2017, căn cứ các quy định của Chính phủ, Bộ ngành Trung ương, có 429 đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh và thuộc các cơ quan chuyên môn đã được phê duyệt Đề án vị trí việc làm, bản mô tả và khung năng lực của vị trí việc làm. Trên cơ sở đó, các đơn vị sự nghiệp đã chủ động xây dựng nhu cầu tuyển dụng, sử dụng, đào tạo, bồi dưỡng, sắp xếp bố trí viên chức phù hợp với Bản mô tả công việc và Khung năng lực của vị trí việc làm để từng bước chuẩn hóa đội ngũ viên chức thuộc đơn vị. Từ năm 2017 đến nay, các cơ quan, đơn vị thường xuyên thực hiện rà soát, điều chỉnh bổ sung Đề án vị trí việc làm, Bản mô tả công việc và Khung năng lực của vị trí việc làm để bảo đảm phù hợp với tình hình thực tế. Tuy nhiên, việc xây dựng và thực hiện Đề án vị trí việc làm, Bản mô tả công việc và Khung năng lực của vị trí việc làm tại các đơn vị sự nghiệp công lập còn tồn tại một số hạn chế nhất định như: Việc xác định số lượng người làm việc tương ứng với vị trí việc làm còn mang tính định tính, đặc biệt là đối với vị trí việc làm chuyên môn, nghiệp vụ do nhiều người đảm nhiệm; Việc xác định hạng chức danh nghề nghiệp viên chức tương ứng với vị trí việc làm đối với một số vị trí việc làm còn gặp khó khăn do chưa có hướng dẫn cụ thể… Trong thời gian tới, việc xây dựng Đề án vị trí việc làm, Bản mô tả công việc và Khung năng lực của vị trí việc làm của viên chức trong đơn vị sự nghiệp cần tiếp tục được nghiên cứu, triển khai thực hiện làm cơ sở để quản lý biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Trong đó, cần tập trung thực hiện một số giải pháp cụ thể như: Một là, nghiên cứu quy định của Chính phủ, Bộ, ngành Trung ương về vị trí việc làm, cơ cấu chức danh nghề nghiệp viên chức, quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành làm cơ sở hướng dẫn về vị trí việc làm của lãnh đạo, viên chức quản lý và chức danh nghề nghiệp chuyên ngành; hướng dẫn phương pháp tiến hành xác định vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp; định mức số lượng người làm việc đối với đơn vị sự nghiệp công lập. Xác định rõ khung năng lực đối với vị trí chuyên môn, thừa hành, vị trí hỗ trợ, phục vụ của đơn vị sự nghiệp công lập. Hai là, có nhận thức đúng về khung năng lực, vị trí việc làm trong các đơn vị sự nghiệp công lập để có kế hoạch và lộ trình triển khai phù hợp; xây dựng và hoàn thiện Đề án vị trí việc làm, thiết lập bản mô tả công việc xác định mục tiêu cụ thể, số lượng viên chức, các tiêu chí lượng hóa, bảo đảm chất lượng, cơ cấu, tỷ lệ đội ngũ viên chức có khả năng đảm nhận công việc được giao. Ba là, nâng cao chất lượng đội ngũ viên chức đáp ứng khung năng lực của vị trí việc làm trong đơn vị sự nghiệp công lập. Cần xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng lãnh đạo, quản lý đối với đội ngũ viên chức. Tăng cường đào tạo lại, đổi mới các hình thức học tập kết hợp khuyến khích viên chức tự tìm hiểu, rèn luyện phát triển năng lực cá nhân. Có chính sách thu hút và trọng dụng đội ngũ viên chức có chuyên môn, nghiệp vụ giỏi. Bốn là, gắn công tác đánh giá, xếp loại của đội ngũ viên chức sát thực tiễn, có tiêu chuẩn, tiêu chí đo lường được, gắn với vị trí việc làm và kết quả thực hiện nhiệm vụ. Bảo đảm hoạt động đánh giá viên chức khách quan, trung thực, không cào bằng, không nể nang, duy ý chí. Năm là, tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập. Người đứng đầu đơn vị phải chủ động và chịu trách nhiệm trong quá trình quản lý, bố trí sử dụng đội ngũ viên chức theo khung năng lực của vị trí việc làm bảo đảm khách quan, công tâm, vì mục tiêu chung của tổ chức. Sáu là, đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát trong công tác tổ chức, kịp thời phát hiện những bất cập, đưa ra các kiến nghị đề xuất sửa đổi, bổ sung; tiến hành xử lý các sai phạm nhằm giữ vững trật tự, kỷ cương trong thực thi công vụ. Đồng thời biểu dương khen thưởng các tập thể và cá nhân có sáng kiến, đổi mới trong tổ chức thực hiện./. Nguyễn Thị Thảo |