Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ Gửi thư In Tăng sáng Giảm sáng

Giới thiệu một số hình ảnh về di tích lịch sử Viện nghiên cứu kỹ thuật quân giới (Viện thiết kế vũ khí) – Bộ Quốc phòng đang được bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh Bắc Kạn.

( Cập nhật ngày: 20/08/2024 )

Để chuẩn bị cho cuộc kháng chiến trường kỳ và lâu dài của dân tộc, vũ khí là công cụ hết sức cần thiết để giúp quân và dân ta chiến đấu chống giặc ngoại xâm. Kháng chiến toàn quốc bùng nổ ngày 19/12/1946 đất nước ta đang ở thế cô lập, chưa có sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế một cách thiết thực. Việc đề ra một tổ chức để nghiên cứu sản xuất vũ khí với phương tiện, vật liệu sẵn có thông qua những định hướng thích hợp là điều vô cùng cấp thiết cho việc bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ. Ngày 15/12/1946 Chính phủ ra quyết định thành lập Cục quân giới thay cho Cục chế tạo và cử đồng chí Trần Đại Nghĩa làm Cục trưởng. Ngày 04/02/1947 Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ký Nghị định số 228/NĐ v/v thành lập Nha nghiên cứu kỹ thuật do đồng chí Trần Đại Nghĩa, Cục trưởng kiêm Giám đốc Nha nghiên cứu kỹ thuật. Ngày 30/3/1947 liên Bộ Quốc phòng – Bộ Nội vụ ra Nghị định số 44/NV-QP-NĐ quy định việc lập xưởng chế tạo vũ khí đạn dược. Cục Quân giới, Bộ Quốc phòng kiểm soát về hiệu lực và điều kiện an toàn của vũ khí.

Nha nghiên cứu kỹ thuật được thành lập (Viện Nghiên cứu quân giới) từ ngày 04/02/1947 cho đến tháng 3/1953 thì giải thể. Trong quá trình hoạt động Viện Nghiên cứu kỹ thuật quân giới đã đóng ở nhiều nơi, thời kỳ đầu từ 04/02/1947 đến 31/5/1947 đóng ở Ưng Hòa và Tuyên Quang, đây là thời kỳ học tập và hình thành tổ chức; từ tháng 6/1947 Viện chuyển đến ở Phja Khao xã Bản Thi huyện Chợ Đồn tỉnh Bắc Kạn; từ tháng 8/1948 đến tháng 12/1949 Viện chuyển về xã Đồng Chiêm nay là xã Cấp Tiến huyện Sơn Dương tỉnh Tuyên Quang và đến tháng 12/1949 thì chuyển về xóm Nà Lằng, xã Quảng Chu, huyện Chợ Mới.

                                                          Ảnh: Toàn cảnh di tích

Tại địa điểm Nà Lằng, được sự đùm bọc, giúp đỡ của Đảng bộ và Nhân dân xóm Nà Lằng, xã Quảng Chu, Viện đã kiến thiết rất nhanh các phòng chuyên môn ở một góc núi, xưởng và bộ phận ga-zô-den ở một góc núi khác, nhà cửa đều được che khuất dưới lùm cây.

Trong thời gian 3 năm ở đây Viện nghiên cứu kỹ thuật đã nghiên cứu và chế tạo thành công nhiều loại vũ khí như SKZ60; nghiên cứu vòng ngắm để bắn máy bay dùng cho súng trung liên, đại liên; nghiên cứu phá bom nổ chậm; nghiên cứu vũ khí thô sơ gồm mịn hương, mịn sành, mịn gỗ gồm nhiều loại; nghiên cứu hóa chất; nghiên cứu sản xuất gang; nghiên cứu sản xuất thep bằng lá hồ quang; nghiên cứu sản xuất ê bô nít; nghiên cứu cải tiến vũ khí cơ bản (lựu mìn). Tất cả nhưng thành công này của Viện Nghiên cứu kỹ thuật quân giới đã góp phần cho cuộc chiến đấu chống thực dân Pháp thắng lợi. Đây là niềm tự hào của Viện Nghiên cứu kỹ thuật quân giới.

                                           Ảnh: Quang cảnh xưởng chế tạo vũ khí

Năm 1950, Viện Nghiên cứu kỹ thuật quân giới đã vinh dự được Nhà nước tặng thưởng huân chương quân công hạng 3. Di tích Viện Nghiên cứu kỹ thuật quân giới Bộ Quốc phòng có ý nghĩa rất to lớn về mặt lịch sử khoa học quân sự quốc phòng. Đây là Viện Nghiên cứu khoa học kỹ thuật đầu tiên của quân đội ta và của đất nước ta. Qua di tích này, các thế hệ, tầng lớp nhân dân có thể hiểu và thấy được sự vất vả cũng như tinh thần say mê sáng tạo, vượt mọi khó khăn để chế tạo vũ khí đánh thắng kẻ thù xâm lược. Chỉ trong một thời gian ngắn Viện đã có những kết quả nghiên cứu phù hợp thực tế phục vụ cho kháng chiến chống Pháp và một số sản phẩm còn tiếp tục phục vụ trong kháng chiến chống Mỹ. Các kết quả nghiên cứu nói trên đã góp phần khiêm tốn của mình vào sự nghiệp to lớn của ngành quân giới.

                                               Ảnh: Dãy núi nơi cất giấu vũ khí

Ngày nay, xóm Nà Lằng, xã Quảng Chu, huyện Chợ Mới nơi Viện Nghiên cứu kỹ thuật quân giới đã có thời gian đặt phân xưởng để nghiên cứu và chế tạo vũ khí đã trở thành một địa điểm di tích lịch sử đáng ghi nhớ và tự hào. Hiện nay, trải qua thời gian dài cùng với những biến đổi của thiên nhiên đã làm cho di tích không còn giữ nguyên được hiện trạng ban đầu. Ngày 31/12/2002, UBND tỉnh Bắc Kạn đã ra Quyết định số 2710/QĐ-UBND về việc bảo vệ 11 điểm di tích lịch sử nằm trên địa bàn các huyện của tỉnh Bắc Kạn trong đó có di tích lịch sử Viện Nghiên cứu kỹ thuật quân giới – Bộ Quốc phòng. Để kỷ niệm xưởng quân giới đóng tại nơi đây, tháng 8/1997 Viện Nghiên cứu kỹ thuật quân giới nay là Viện thiết kế vũ khí Bộ Quốc phòng đã dựng bia tưởng niệm tại khu vực này.

                                                 Ảnh: Bia tưởng niệm tại di tích

Tg: Hoàng Thị Hiền