Giám sát kết quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác cán bộ người dân tộc thiểu số, giai đoạn 2016-2023 tại tỉnh Bắc Kạn ( Cập nhật ngày: 24/07/2024 )Thực hiện Kế hoạch giám sát của các cơ quan của Quốc hội tại địa phương năm 2024, ngày 23/7/2024, Đoàn giám sát của Hội đồng dân tộc do Phó Chủ tịch Hội đồng dân tộc Nguyễn Lâm Thành làm trưởng đoàn đã làm việc với UBND tỉnh Bắc Kạn về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác cán bộ người dân tộc thiểu số, giai đoạn 2016-2023”. Tham dự buổi làm việc có bà Cao Thị Xuân, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, bà Leo Thị Lịch, Ủy viên Thường trực Hội đồng dân tộc cùng đại diện một số bộ ngành. Làm việc với đoàn, về phía tỉnh Bắc Kạn có các ông: Phạm Duy Hưng, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Đồng Văn Lưu, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh cùng đại diện Ban Tổ chức Tỉnh ủy, các sở, ban, ngành của tỉnh. Để chuẩn bị nội dung buổi làm việc, UBND tỉnh đã giao Sở Nội vụ chủ trì xây dựng báo cáo theo đề cương của Đoàn giám sát của Hội đồng dân tộc. Tại Buổi làm việc, bà Hoàng Thị Diệu, Phó Giám đốc Sở Nội vụ đã báo cáo tóm tắt kết quả thực hiện chính sách, pháp luật về công tác cán bộ người dân tộc thiểu số (DTTS), giai đoạn 2016-2023, trong đó nhấn mạnh: Căn cứ vào điều kiện thực tiễn của tỉnh và các văn bản chỉ đạo của cấp có thẩm quyền, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Bắc Kạn luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai kịp thời các chỉ thị, nghị quyết, văn bản hướng dẫn của Bộ, ngành Trung ương về công tác cán bộ. Từ khâu tuyển dụng, nâng ngạch, thăng hạng, quy hoạch, bổ nhiệm, giới thiệu, ứng cử, đào tạo, bồi dưỡng của tỉnh được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Công tác quy hoạch cán bộ người DTTS được chú trọng, bảo đảm về tỷ lệ và cơ cấu; công tác đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng, điều động, luân chuyển ngày càng được quan tâm, góp phần tích cực trong việc tạo nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý người DTTS tại địa phương, cụ thể: – Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Đề án, Kế hoạch tạo nguồn cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người DTTS giữ chức danh lãnh đạo quản lý các cấp nhiệm kỳ 2025-2030, trong đó có quy định ưu tiên đối với cán bộ là người DTST. – Hội đồng nhân dân tỉnh đã ban hành các Nghị quyết quy định về: Đào tạo bác sĩ theo địa chỉ và đào tạo cán bộ trình độ cao; hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng cán bộ y tế phục vụ cho Bệnh viện đa khoa; về mức chi đào tạo, bồi dưỡng đối với cán bộ, công chức, viên chức. – Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành các văn bản quy phạm pháp luật quy định cụ thể về tiêu chuẩn, điều kiện, đối tượng thụ hưởng kinh phí đào tạo, bồi dưỡng theo quy định. Việc ban hành các quy định nêu trên kịp thời triển khai các quy định Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác cán bộ đối người DTTS bảo đảm phù hợp, thống nhất với các văn bản, chính sách đã được ban hành, nhằm nâng cao trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người DTTS. Riêng đối với các nội dung ưu tiên trong công tác tuyển dụng, chuyển ngạch, nâng ngạch, xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp được thực hiện theo quy định hiện hành, do các chế độ ưu tiên đối với người DTTS đã được Chính phủ quy định chi tiết tại các Nghị định định và Bộ quản lý ngành, lĩnh vực hướng dẫn thi hành nên địa phương không ban hành quy định chi tiết về nội dung này. Tại báo cáo nêu rõ một số kết quả trọng tâm như: Công tác quy hoạch cán bộ được các cơ quan, đơn vị thực hiện dân chủ, công khai theo đúng quy trình và đảm bảo số lượng cán bộ trong quy hoạch theo chỉ đạo, hướng dẫn của cấp có thẩm quyền, với phương châm quy hoạch “động” và “mở”, chú trọng cơ cấu 3 độ tuổi theo hướng tăng tỷ lệ tuổi trẻ, tỷ lệ cán bộ nữ, cán bộ DTTS đưa vào quy hoạch. Hằng năm, các cơ quan, đơn vị tổ chức rà soát, bổ sung và đưa ra khỏi quy hoạch những cán bộ không còn đủ tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định. Giai đoạn năm 2016-2023, số lượt CBCCVC được quy hoạch các vị trí lãnh đạo: 7.052 lượt người, trong đó CBCCVC người DTTS là 5.995 lượt người. Công tác điều động, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại đảm bảo khách quan, dân chủ, đúng thủ tục, trình tự theo các quy định của cấp có thẩm quyền; CBCCVC được bổ nhiệm, điều động bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định, có đủ năng lực để thực hiện tốt các nhiệm vụ quản lý tại chức danh được bổ nhiệm, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Giai đoạn năm 2016-2023, tổng số công chức, viên chức là người DTTS đã được bổ nhiệm: 909 lượt người. Chú trọng đào tạo đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý người DTTS và cán bộ chủ chốt cấp xã, cán bộ nữ, giai đoạn năm 2016 – 2023, đã cử 16.286 lượt CBCCVC người DTTS tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng trong và ngoài nước; từ năm 2022 đến nay, toàn tỉnh có 3.969 CBCCVC và người hoạt động không chuyên trách được bồi dưỡng kiến thức dân tộc theo Quyết định số 771/QĐ-TTg ngày 26/6/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Bồi dưỡng kiến thức dân tộc đối với cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2018-2025”. Từ năm 2016 đến nay, tuyển dụng được 203/268 chỉ tiêu công chức (trong đó công chức trúng tuyển là người DTTS là 173 người, chiếm 85,2%) và 1.592/2.078 chỉ tiêu viên chức (trong đó viên chức trúng tuyển là người DTTS là 1.363 người, chiếm 85,6%; thu hút được 01 cán bộ khoa học trẻ người DTTS về công tác tại cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh theo Nghị định số 140/2017/NĐ-CP của Chính phủ. Công tác tạo nguồn cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người DTTS được quan tâm: Năm 2022, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 648/KH-UBND ngày 13/10/2022 triển khai thực hiện tạo nguồn cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người DTTS giữ chức danh lãnh đạo, quản lý các cấp nhiệm kỳ 2025-2030. Đến nay, số CBCCVC là người DTTS trong danh sách tạo nguồn cán bộ lãnh đạo quản lý các cấp là 2.919 người, trong đó có 2.599 người DTTS, tỷ lệ CBCCVC người DTTS giữ chức danh lãnh đạo tại các cơ quan, đơn vị ngày càng cao,… Phát biểu tại buổi làm việc, Ông Nguyễn Lâm Thành, Phó Chủ tịch Hội đồng dân tộc, Trưởng đoàn giám sát đã đánh giá cao sự chuẩn bị của cơ quan tham mưu, đánh giá cao những kết quả đạt được của tỉnh Bắc Kạn trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác cán bộ người dân tộc thiểu số giai đoạn qua, chia sẻ với những khó khăn, vướng mắc của tỉnh đồng thời định hướng một số nội dung trao đổi tại buổi làm việc để hiểu rõ hơn tình hình thực hiện tại tỉnh. Cũng tại buổi làm việc, thành viên đoàn giám sát đã đưa ra những vấn đề thỏa luận kỹ hơn như việc thực hiện chế độ cử tuyển đối với con em người DTTS; việc đào tạo, bồi dưỡng trình độ cao đối với CBCCVC người DTTS; nguồn lực của tỉnh trong thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng; rà soát tính hợp lý của các chế độ, chính sách hiện đang thực hiện đối với CBCCVC người DTTS,… Đại diện lãnh đạo tỉnh, ông Phạm Duy Hưng, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các văn bản của Trung ương, của tỉnh về các chính sách, pháp luật đối với CBCCVC là người DTTS; Thực hiện tốt công tác quy hoạch, bổ nhiệm, điều động CBCCVC người DTTS phù hợp với năng lực, sở trường, vị trí việc làm, trong đó ưu tiên quy hoạch CBCCVC là người DTTS ít người, CBCCVC là nữ, trẻ tuổi; Đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng cho CBCCVC nhất là CBCCVC trẻ, người DTTS tạo điều kiện cho CBCCVC trẻ, người DTTS trong quy hoạch được rèn luyện và phát huy khả năng, năng lực công tác trong thực tiễn; triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách đối với CBCCVC là người DTTS theo quy định đồng thời đề nghị Đoàn giám sát quan tâm, phối hợp với các Bộ ngành, đơn vị liên quan giải đáp những kiến nghị của tỉnh tại Báo cáo số 473/BC-UBND để giúp tỉnh thực hiện tốt hơn chính sách, pháp luật về công tác cán bộ người dân tộc thiểu số trong giai đoạn tới. Tg: Trần Thị Phương Anh |