Công tác đào tạo đội ngũ cán bộ, công chức trong tiến trình cải cách hành chính hiện nay ( Cập nhật ngày: 23/10/2023 )Đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức là một yêu cầu cấp bách, một trong những yếu tố quyết định thắng lợi của sự nghiệp đổi mới trong thời kỳ mới, đặc biệt trong tiến trình cải cách hành chính trong giai đoạn 2021-2026 hiện nay. Tại văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng xác định rõ ba nhiệm vụ trọng tâm của công tác xây dựng Đảng, Nhà nước trong nhiệm kỳ 2021-2026 là: “Đổi mới mạnh mẽ và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cán bộ; tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, người đứng đầu các cấp đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ” còn tại Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 15/7/2021 của Chính phủ ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2030 đã xác định nhiều mục tiêu, trong đó: tiếp tục xây dựng nền công vụ chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động và thực tài. Đến năm 2025 phấn đấu xây dựng được đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có cơ cấu hợp lý, đáp ứng tiêu chuẩn chức danh, vị trí việc làm và khung năng lực theo quy định và đến năm 2030 xây dựng được đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chuyên nghiệp, có chất lượng cao, có số lượng, cơ cấu hợp lý. Để cụ thể hóa các nhiệm vụ nhằm quản lý theo ngành trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công chức, viên chức. Gần đây nhất trong năm 2023 Bộ Nội vụ đã ban hành Thông tư số 03/2023/TT- BNV ngày 30/4/2023 về hướng dẫn một số quy định của Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 01/9/2017 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức và Nghị định số 89/2021/NĐ-CP ngày 18/10/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 101/2017/NĐ-CP của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức.Trong những năm qua được sự quan tâm, chỉ đạo từ Trung ương, các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị quan tâm chỉ đạo đẩy mạnh, tiếp tục có những đổi mới, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức đạt được nhiều kết quả nhất định. Theo số liệu do Vụ Công chức – Viên chức (Bộ Nội vụ cung cấp số liệu tính đến ngày 31/12/2021) trên toàn quốc, tổng số cán bộ, công chức các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ được đào tạo, bồi dưỡng là 6.373 người ; số cán bộ, công chức hành chính cấp tỉnh, cấp huyện được đào tạo, bồi dưỡng là 24.572 người ;cán bộ, công chức cấp xã, người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã được đào tạo, bồi dưỡng là 6.673 người ; viên chức được đào tạo, bồi dưỡng là 11.382 người. Trong tiến trình cải cách hành chính ở Việt Nam hiện nay, vấn đề xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức nhà nước đáp ứng được nhiệm vụ trong thời kỳ mới là đặc biệt cần được chú trọng. Nhờ những thay đổi về cơ chế quản lý trong tuyển dụng, sử dụng, công tác thi đua khen thưởng…. cùng với các chính sách đãi ngộ, thu hút, trọng dụng nhân tài; nâng cao trách nhiệm người đứng đầu và trách nhiệm của cán bộ, công chức trong thực thi công vụ… công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức đã được đổi mới theo hướng phù hợp với các đối tượng đào tạo, bồi dưỡng và yêu cầu nhiệm vụ. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, đội ngũ cán bộ, công chức ở nước ta còn bộc lộ những hạn chế nhất định, như: thiếu tri thức, kỹ năng hành chính, một số công việc còn được thực hiện theo kinh nghiệm tự tích lũy, tinh thần trách nhiệm thực thi công vụ chưa cao, vẫn còn sảy ra tình trạng tham nhũng, sách nhiễu, cửa quyền… ảnh hưởng tới uy tín, chất lượng phục vụ người dân của cơ quan nhà nước. Từ những thực tiễn đó đặt ra vấn đề cần thay đổi, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức để đáp ứng, thích ứng trong điều kiện mới nhất là trong giai đoạn hiện nay. Để nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, trang bị những kiến thức, kỹ năng quản lý điều hành và phục vụ công vụ, tạo điều kiện cho cán bộ, công chức cấp thành tốt nhiệm vụ được giao, trong thời gian tới, cần tập trung hơn nữa trong việc trang bị kiến thức, đào tạo chuyên sâu, chuyên ngành, nâng cao, có trình độ ngoại ngữ cho đội ngũ cán bộ, công chức. Công tác đào tạo, bồi dưỡng theo quy hoạch, kế hoạch và gắn với sử dụng cán bộ, công chức Công tác đào tạo, bồi dưỡng cần đổi mới cả nội dung và phương pháp để giúp phát triển năng lực lãnh đạo, quản lý, năng lực thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo khung năng lực, theo chức danh và vị trí việc làm. Bên cạnh đó đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật phục vụ công tác giảng dạy đảm bảo hiệu quả và tiết kiệm. Cần chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nội dung theo nhu cầu, tiến hành bồi dưỡng, cập nhật các kiến thức với kỹ năng làm việc khoa học, các thiết bị công nghệ hiện đại cho đội ngũ cán bộ, công chức nhằm nâng cao năng suất, hiệu quả làm việc. Để có thể thực hiện hiệu quả công tác chuyên môn trong quá trình thực thi công vụ, đòi hỏi mỗi cán bộ, công chức phải có ý thức không ngừng nâng cao bản lĩnh chính trị, trau dồi về trình độ chuyên môn, kỹ năng lãnh đạo, quản lý và xử lý công việc một cách khoa học, hiệu quả. Song song với đó là trang bị kỹ năng: tham mưu, tư vấn, kĩ năng quan sát và giải quyết vấn đề, kỹ năng soạn thảo văn bản, kỹ năng đàm phán, kỹ năng giao tiếp.. đây là những kĩ năng mềm cần thiết, góp vai trò trong quá trình tham mưu nhiệm vụ, thực hiện công vụ hàng ngày. Tóm lại, hoạt động đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ công chức đóng vai trò quan trọng để nâng cao năng lực thực thi công vụ, nâng cao chất lượng đội ngũ công chức. Do vậy, cần thay đổi nội dung cũng phương pháp, cách thức thực hiện trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức nhằm hướng tới mục tiêu cuối cùng là xây dựng và phát triển đội ngũ công chức thực sự có năng lực, đáp ứng được yêu cầu cải cách hành chính, cải cách công vụ trong giai đoạn hiện nay. Tg: Hoàng Hạnh |