Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ Gửi thư In Tăng sáng Giảm sáng

Tổ chức khoa học tài liệu của các Sở đã nộp vào Lưu trữ lịch sử tỉnh Bắc Kạn – Thực trạng và giải pháp

( Cập nhật ngày: 02/03/2021 )
  1. Giới thiệu chung

Để tài liệu lưu trữ phát huy được giá trị thì tài liệu cần được tổ chức khai thác và sử dụng hiệu quả. Do đó tài liệu của các phông lưu trữ cần được tổ chức khoa học. Việc tổ chức khoa học tài liệu là hết sức quan trọng, đảm bảo tài liệu được phân loại, xác định giá trị, hoàn thiện hệ thống công cụ tra cứu khoa học tài liệu. Khi việc tổ chức khoa học tài liệu được thực hiện tốt sẽ đáp ứng nhu cầu thông tin ngày càng cao của con người.

Ngày 6 tháng 11 năm 1996, tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa IX ra nghị quyết chia tỉnh Bắc Thái để tái lập tỉnh Bắc Kạn và tỉnh Thái Nguyên. Sau khi tách tỉnh hệ thống các cơ quan thuộc tỉnh Bắc Kạn lần lượt được thành lập và đi vào hoạt động. Tài liệu do các cơ quan này sản sinh ra được lập thành các phông lưu trữ.

Ngày 15 tháng 4 năm 2003 UBND tỉnh Bắc Kạn ban hành Quyết định số 582/QĐ – UB về việc thành lập Trung tâm Lưu trữ tỉnh Bắc Kạn thuộc Văn phòng HĐND và UBND tỉnh Bắc Kạn. Trung tâm có con dấu riêng để giao dịch công tác chuyên môn.Trung tâm bao gồm bộ phận quản lý nghiệp vụ và bộ phận quản lý kho lưu trữ. Trụ sở của Trung tâm đặt tại trụ sở Văn phòng HĐND và UBND tỉnh.

Ngày 01 tháng 01 năm 2009 Trung tâm Lưu trữ tỉnh Bắc Kạn được điều chuyển nguyên trạng về Sở Nội vụ quản lý theo Quyết định số 2094/QĐ – UBND ngày 27 tháng 10 năm 2008 của UBND tỉnh Bắc Kạn.

Ngày 30 tháng 3 năm 2012 UBND tỉnh Bắc Kạn ban hành Quyết định só 432/QĐ -UBND về việc thành lập Chi cục Văn thư – Lưu trữ trực thuộc Sở Nội vụ tỉnh Bắc Kạn trên cơ sở hợp nhất Phòng Quản lý Văn thư – Lưu trữ và Trung tâm Lưu trữ tỉnh.

Ngày 08/11/2018, Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn ban hành Quyết định số 1888/QĐ-UBND về việc thành lập Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh Bắc Kạn. Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh Bắc Kạn được thành lập trên cơ sở bộ phận sự nghiệp lưu trữ thuộc Chi cục Văn thư – Lưu trữ trực thuộc Sở Nội vụ tỉnh Bắc Kạn; Phòng Quản lý văn thư lưu trữ thuộc Chi cục sáp nhập với Phòng Cải cách hành chính thành Phòng Cải cách hành chính và Quản lý văn thư lưu trữ thuộc Sở Nội vụ, giải thể Chi cục Văn thư – Lưu trữ.

Sau hơn 20 năm tái thành lập tỉnh, cùng với sự phát triển của tỉnh là sự gia tăng về khối lượng tài liệu lưu trữ, trong đó phải kể đến khối tài liệu của các Sở thuộc nguồn nộp lưu vào Lưu trữ lịch sử tỉnh Bắc Kạn. Tại tỉnh Bắc Kạn, việc tổ chức khoa học tài liệu của các Sở đã nộp vào Lưu trữ lịch sử tỉnh Bắc Kạn đang tồn tại một số hạn chế và bất cập. Đây trở thành vấn đề mang tính cấp thiết và cần sớm thực hiện những giải pháp nhằm tháo gỡ những khó khăn, hạn chế.

2. Thực trạng tổ chức khoa học tài liệu của các Sở tại Lưu trữ lịch sử tỉnh Bắc Kạn

Tổ chức khoa học tài liệu là việc thực hiện các khâu nghiệp vụ cụ thể của công tác lưu trữ như phân loại tài liệu, xác định giá trị tài liệu và xây dựng công cụ tra cứu khoa học tài liệu. Để tổ chức khoa học tài liệu đòi hỏi cán bộ phải có trình độ chuyên môn, điều kiện làm việc tốt và trang thiết bị phục vụ cho việc thực hiện các quy trình nghiệp vụ phải đầy đủ, khoa học và hiện đại.Thông qua tổ chức khoa học tài liệu sẽ phát hiện những tài liệu còn thiếu trong hồ sơ để có kế hoạch thu thập bổ sung nhằm hoàn chỉnh thành phần tài liệu thuộc phông. Bên cạnh đóngười làm lưu trữ có thể nắm bắt được số liệu cụ thể về khối lượng, chất lượng, tình trạng vật lý của tài liệu, giúp cho công tác thống kê và kiểm tra tài liệu một cách thuận lợi hơn.Làm tốt công tác tổ chức khoa học tài liệu lưu trữ để làm tiền đề, cơ sở nhằm thực hiện tốt các quy trình nghiệp vụ khác có liên quan. Tổ chức khoa học tài liệu được thực hiện tốt sẽ giúp cho việc xây dựng cơ sở dữ liệu lưu trữ, thống kê, bảo quản tài liệu lưu trữ được thực hiện thuận lợi.

Tổ chức khoa học tài liệu của các sở đã nộp vào Lưu trữ lịch sử tỉnh Bắc Kạn là cần thiết và mang tính cấp thiết. Thông qua tổ chức khoa học tài liệu sẽ phát hiện những tài liệu còn thiếu của các phông đã giao nộp, từ đó có kế hoạch thu thập, bổ sung góp phần hoàn chỉnh thành phần tài liệu của các phông. Tại kho Lưu trữ lịch sử tỉnh Bắc Kạn hiện đang bảo quản 15 phông/khối tài liệu, chủ yếu là phông các sở. Mặc dù hồ sơ, tài liệu của các sở đã được giao nộp vào Lưu trữ lịch sử nhưng tại kho lưu trữ cơ quan của các sở vẫn còn tài liệu thuộc phông cùng giai đoạn với những hồ sơ, tài liệu trong kho lưu trữ lịch sử. Điều này cho thấy rằng tài liệu chưa được tổ chức khoa học; hồ sơ, tài liệu thu về chưa đầy đủ và chưa đảm bảo chất lượng.

2.1. Ưu điểm

Việc tổ chức khoa học tài liệu của các Sở đã nộp vào Lưu trữ lịch sử tỉnh Bắc Kạn đã đạt được một số kết quả như sau:

Thứ nhất, một số Sở đã có ý thức giao nộp hồ sơ, tài liệu; tài liệu của một số Sở khi nộp về Lưu trữ lịch sử đã được thống kê tại quyển Mục lục hồ sơ và bảo quản trong cặp, hộp.

Thứ hai, việc thực hiện các nghiệp vụ tổ chức khoa học tài liệu của các Sở đã nộp vào Lưu trữ lịch sử tỉnh Bắc Kạn đã bước đầu được quan tâm thực hiện. Một số phông đã được xây dựng phương án phân loại, tài liệu đã được phân loại thành các nhóm cơ bản, nhóm lớn, nhóm nhỏ, nhóm nhỏ nhất tương đương với hồ sơ/đơn vị bảo quản. Việc xác định giá trị tài liệu đã được quan tâm hơn, người làm lưu trữ đã bước đầu kết hợp vận dụng các Bảng thời hạn bảo quản liên quan để xác định thời hạn bảo quản cho hồ sơ, tài liệu. Công cụ tra cứu là Mục lục hồ sơ đã được xây dựng để phục vụ công tác thống kê, quản lý và tra tìm tài liệu.

2.2. Hạn chế

Mặc dù đã đạt được một số kết quả nhất định nhưng việc tổ chức khoa học tài liệu của các sở tại Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh Bắc Kạn còn nhiều hạn chế.

Một là, viên chức làm lưu trữ được đào tạo đúng chuyên môn tuy nhiên việc vận dụng vào thực tế công việc đôi khi chưa được linh hoạt, thiếu độ chính xác, chưa vận dụng đầy đủ những văn bản quy định để thực hiện nhiệm vụ tổ chức khoa học tài liệu.

Hai là, hầu hết phông Lưu trữ của các Sở đã giao nộp vào Lưu trữ lịch sử tỉnh Bắc Kạn chưa được biên soạn Lịch sử đơn vị hình thành phông và lịch sử phông, một số bản Lịch sử đơn vị hình thành phông và lịch sử phông đã được biên soạn nhưng chưa đáp ứng yêu cầu về nội dung, ảnh hưởng đến việc lựa chọn và xây dựng phương án phân loại cho tài liệu của phông; việc phân loại chưa đảm bảo yêu cầu đặt ra, tài liệu sau khi phân loại còn bị xé lẻ, phân tán, chất lượng hồ sơ không đảm bảo do thiếu văn bản, tài liệu. Trong mỗi hồ sơ cần có đầy đủ những văn bản, tài liệu có giá trị pháp lý và mối liên hệ chặt chẽ với nhau và phản ánh được diễn biến của sự việc, trình tự giải quyết công việc. Tuy nhiên, hồ sơ trong các phông chưa thể hiện được tính trọn vẹn của vấn đề. Các hồ sơ trong từng nhóm không thể hiện được nội hàm, nội dung của tiêu đề nhóm. Một số năm có quá ít hồ sơ, tài liệu nên không có tiêu đề nhóm lớn, nhóm nhỏ. Việc lựa chọn những hồ sơ, tài liệu đảm bảo phản ánh đúng, đầy đủ chức năng, nhiệm vụ là công việc hết sức khó khăn đối với những người làm lưu trữ tại Lưu trữ lịch sử. Một số tài liệu bị phân tán, lưu giữ tại các phòng chuyên môn, không đưa vào lưu trữ cơ quan. Đây được coi là nguyên nhân khiến tài liệu nhiều phông lưu trữ sở khi giao nộp vào Lưu trữ lịch sử tỉnh không hoàn chỉnh, không đầy đủ.

Ba là, thiếu thống nhất giữa phương án phân loại và hệ thống hóa gây khó khăn cho công tác thống kê, xây dựng công cụ tra cứu tài liệu.

Bốn là, công cụ tra cứu khoa học tài liệu còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu tra cứu, gây mất thời gian trong việc tra tìm tài liệu phục vụ độc giả. Công cụ tra cứu chủ yếu là Mục lục hồ sơ và những Mục lục hồ sơ hiện có chưa đáp ứng được yêu cầu tra tìm tài liệu. Việc xây dựng những công cụ tra cứu khác chưa được thực hiện. Hầu hết những quyển Mục lục hồ sơ của các phông Sở đã nộp vào Lưu trữ lịch sử tỉnh Bắc Kạn không đầy đủ thành phần cấu tạo theo quy định tại Quyết định số 72/QĐ-KHKT ngày 02 tháng 3 năm 1997 của Cục Văn thư – Lưu trữ nhà nước: Tờ bìa, tờ nhan đề, tờ mục lục, lời nói đầu (Lịch sử đơn hình thành phông, Lịch sử phông, đặc điểm chính trong quá trình biên mục và hệ thống hoá hồ sơ, cách sử dụng mục lục hồ sơ), bảng chữ viết tắt, bảng kê các hồ sơ, bảng chỉ dẫn, phần kết thúc. Trong bảng kê các hồ sơ của một số phông, trong cột tiêu đề hồ sơ không ghi tên nhóm hồ sơ gây khó khăn cho việc tra tìm hồ sơ, tài liệu.

2.3. Nguyên nhân

Việc tổ chức khoa học tài liệu của các Sở đã nộp vào Lưu trữ lịch sử tỉnh Bắc Kạn còn hạn chế do một số nguyên nhân sau:

Một là, còn có công chức, viên chức chưa nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của việc tổ chức khoa học tài liệu.

Hai là, đội ngũ những người làm lưu trữ của tỉnh Bắc Kạn nói còn hạn chế về số lượng và trình độ chuyên môn, do đó chưa thực hiện hiệu quả các hoạt động nghiệp vụ tổ chức khoa học tài liệu. Một số Sở chưa bố trí được cán bộ lưu trữ chuyên trách nên việc tổ chức khoa học tài liệu đã không được thực hiện ngay tại lưu trữ cơ quan. Tại một số Sở khi chỉnh lý tài liệu chỉ chỉnh lý chọn lọc một số tài liệu nên đã dẫn đến chất lượng hồ sơ thấp, thành phần tài liệu thuộc phông không đầy đủ.

Ba là, việc lập hồ sơ và giao nộp hồ sơ vào Lưu trữ cơ quan, Lưu trữ lịch sử đã không được thực hiện trong một thời gian khá dài dẫn đến tình trạng thất lạc, mất mát tài liệu.Việc giao nộp hồ sơ, tài liệu của các Sở vào Lưu trữ lịch sử trước đó chưa được thực hiện chặt chẽ.

Bốn là, cơ sở vật chất, trang thiết bị của Trung tâm Lưu trữ lịch sử và của các sở còn thiếu thốn, chưa đáp ứng yêu cầu của việc tổ chức khoa học tài liệu. Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh Bắc Kạn nhiều năm qua chỉ thu thập được hồ sơ, tài liệu của một số phông có khối lượng tài liệu ít. Tại một số Sở do không bố trí được cơ sở vật chất, trang thiết bị bảo quản nên nhiều tài liệu bị hư hỏng.

3. Giải pháp

Bên cạnh các giải pháp về tổ chức bộ máy, nhân sự, tổ chức triển khai thực hiện các văn bản pháp luật, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị thì giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động nghiệp vụ tổ chức khoa học tài liệu là giải pháp quan trọng và khả thi nhất đối với việc tổ chức khoa học tài liệu, cụ thể như sau:

Trước tiên cần phải thu thập đầy đủ hoặc tương đối đầy đủ hồ sơ, tài liệu của các Sở vào Lưu trữ lịch sử tỉnh, sau đó mới tiến hành tổ chức khoa học tài liệu. Nếu chưa thu thập đủ thì việc tổ chức khoa học sẽ không đảm bảo hiệu quả. Sau khi đã tiến hành việc thu thập thì thực hiện các nghiệp vụ của tổ chức khoa học tài liệu. Tuy nhiên hiện nay vấn đề kho tàng, trang thiết bị chưa đáp ứng nên giải pháp trước mắt là thực hiện tổ chức khoa học tài liệu lưu trữ tại chính lưu trữ cơ quan của các Sở, tạm thời bảo quản các hồ sơ có thời hạn bảo quản vĩnh viện tại lưu trữ cơ quan và các Sở cần gửi Mục lục hồ sơ vĩnh viễn cho Trung tâm quản lý.

Về phân loại tài liệu:

Thứ nhất, cần phải xác định chính xác giới hạn của phông, tức là xác định được thời gian bắt đầu – kết thúc và giới hạn thành phần tài liệu trong phông. Sở Nội vụ đã ban hành Công văn số 1107/SNV-CCHC&QLVTLT ngày 16/7/2019 của Sở Nội vụ về việc hướng dẫn quản lý tài liệu lưu trữ khi cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp nhà nước chia, tách, sáp nhập, giải thể, chuyển đổi hình thức sở hữu hoặc phá sản và Công văn số 1577/SNV-CCHC&QLVTLT ngày 27/9/2019 về việc hướng dẫn phân phông, xác định giới hạn phạm vi của phông lưu trữ cơ quan. Đây là cơ sở quan trọng giúp cho việc phân phông được chính xác và khoa học.

Thứ hai, việc phân loại tài liệu trong từng phông: Cần xây dựng bản Lịch sử đơn vị hình thành phông và lịch sử phông. Nội dung của văn bản này sẽ cung cấp thông tin góp phần cho việc lựa chọn, xây dựng phương án phân loại, hệ thống hóa hồ sơ, tài liệu. Khi xây dựng bản Lịch sử đơn vị hình thành phông và lịch sử phông, người biên soạn cần cố gắng thu thập đầy đủ những văn bản liên quan đến sự thành lập, chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức, những văn bản thể hiện sự thay đổi về tổ chức bộ máy của đơn vị và khảo sát thực trạng để đưa ra được thông tin cụ thể về khối lượng, thời gian, thành phần, nội dung tài liệu. Đặc biệt, đối với các loại tài liệu khoa học công nghệ, tài liệu chuyên ngành, cần lựa chọn phương án phân loại phù hợp để đảm bảo cho việc phân loại được thực hiện đúng các nguyên tắc đã đặt ra. Mỗi phương án phân loại được lựa chọn, căn cứ vào đặc điểm tài liệu ngành hoạt động, sẽ được áp dụng thống nhất xuyên suốt trong quá trình phân loại tài liệu của một phông lưu trữ.

–        Về xác định giá trị tài liệu:

Trong công tác tổ chức khoa học tài liệu lưu trữ, xác định giá trị tài liệu được xem là nhiệm vụ quan trọng và khó khăn nhất. Hoạt động này được thực hiện tốt sẽ góp phần đảm bảo chất lượng hồ sơ, tài liệu giao nộp vào Lưu trữ lịch sử. Để làm tốt công tác này cần phải thực hiện tốt những nhiệm vụ sau:

Một là, vận dụng linh hoạt và có sự kết hợp giữa các nguyên tắc, phương pháp, tiêu chuẩn trong xác định giá trị tài liệu. Người làm lưu trữ cần nắm chắc được những nguyên tắc, phương pháp và tiêu chuẩn đó và biết vận dụng linh hoạt trong việc xác định giá trị tài liệu hình thành trong thực tế hoạt động của cơ quan. Nếu như không vận dụng linh hoạt các nguyên tắc, phương pháp và tiêu chuẩn sẽ dễ dẫn đến việc xác định không đúng giá trị của hồ sơ, tài liệu.

Hai là, cần kết hợp vận dụng các quy định về thời hạn bảo quản của các ngành trong việc xác định giá trị tài liệu các sởCùng với việc vận dụngThông tư số 09/2011/TT-BNV ngày 03/6/2011 của Bộ Nội vụ Quy định về thời hạn bảo quản hồ sơ, tài liệu hình thành phổ biến trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức trong việc xác định giá trị tài liệu của các Sở thì cần phải kết hợp vận dụng các quy định về thời hạn bảo quản của các ngành. Tại các bảng thời hạn bảo quản hồ sơ, tài liệu của các ngành sẽ có những quy định cụ thể hơn về những nhóm hồ sơ, tài liệu đặc thù của ngành, giúp xác định giá trị tài liệu được nhanh chóng và chính xác hơn.

Ví dụ: Xác định thời hạn bảo quản hồ sơ, tài liệu Phông Sở Tài chính cần vận dụng Thông tư số 155/2013/TT-BTC ngày 06 tháng 11 năm 2013 của Bộ Tài chính quy định thời hạn bảo quản hồ sơ, tài liệu hình thành phổ biến trong hoạt động của ngành Tài chính; xác định thời hạn bảo quản hồ sơ, tài liệu phông Sở Giáo dục và Đào tạo cần vận dụng Thông tư số 27/2016/TT-BGDĐT ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định thời hạn bảo quản tài liệu chuyên môn nghiệp vụ của ngành Giáo dục và Đào tạo; xác định thời hạn bảo quản hồ sơ, tài liệu phông Sở Tài nguyên và Môi trường cần vận dụng Thông tư số 46/2016/TT-BTNMT ngày 27 tháng 12 năm 2016 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định thời hạn bảo quản hồ sơ, tài liệu chuyên ngành Tài nguyên Môi trường.

Ba là, tài liệu của các Sở đã nộp vào Lưu trữ lịch sử tỉnh Bắc Kạn cần được xác định lại giá trị. Tài liệu hết thời hạn bảo quản cần được thống kê, lập danh mục và tổ chức tiêu hủy theo quy định của nhà nước giúp giải phóng được kho tàng, trang thiết bị và có thể thu thập thêm những hồ sơ, tài liệu khác thuộc nguồn nộp lưu. Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh Bắc Kạn cần có kế hoạch xác định lại giá trị đối với những hồ sơ, tài liệu mà các sở đã nộp vào Lưu trữ lịch sử tỉnh Bắc Kạn.

–        Về xây dựng công cụ tra cứu tài liệu lưu trữ:

Từ thực trạng công cụ tra cứu khoa học tài liệu lưu trữ của các Sở đã nộp vào Lưu trữ lịch sử tỉnh Bắc Kạn, cần phải sớm thực hiện những nội dung sau:

Một là, Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh Bắc Kạn cần tiến hành kiểm tra, rà soát các bản Mục lục hồ sơ, tài liệu của các sở đã nộp vào Lưu trữ lịch sử tỉnh Bắc Kạn; điều chỉnh, bổ sung các bản Mục lục hồ sơ, tài liệu không đúng với tiêu chuẩn ngành. Trong quá trình nâng cấp phông, khi tiến hành việc xây dựng Mục lục hồ sơ cần đối chiếu với quy định của nhà nước tại TCN – 04-1997 ban hành kèm theo Quyết định số 72/QĐ-KHKT ngày 02 tháng 3 năm 1997 của Cục Lưu trữ Nhà nước, quyển Mục lục hồ sơ cần đầy đủ những thành phần cấu tạo cần thiết như tờ bìa, tờ nhan đề, tờ mục lục, lời nói đầu, bảng kê hồ sơ, tờ kết thúcMục lục hồ sơ vừa là công cụ tra cứu vừa là công cụ thống kê do đó cần được chú trọng trong việc xây dựng, đảm bảo cấu tạo theo quy định. Mục lục hồ sơ là công cụ tra cứu truyền thống và được sử dụng phổ biến trong các kho lưu trữ. Nếu như không xây dựng Mục lục hồ sơ đảm bảo theo quy định thì việc tra tìm tài liệu chắc chắn gặp khó khăn, không đảm bảo hiệu quả.

Hai là, Lưu trữ lịch sử tỉnh Bắc Kạn cần sớm thực hiện việc xây dựng thêm những công cụ tra cứu đảm bảo đáp ứng nhu cầu tra tìm tài liệu nhanh chóng, chính xác như: Sổ Đăng ký mục lục hồ sơ, sổ thống kê danh sách các phông lưu trữ đang bảo quản tại Lưu trữ lịch sử tỉnh.

– Sổ Đăng ký mục lục hồ sơ: Đây chính là công cụ dùng để tra tìm mục lục hồ sơ của các phông trong kho lưu trữ. Tuy hiện nay Lưu trữ lịch sử tỉnh Bắc Kạn chưa bảo quản nhiều phông, việc tra tìm Mục lục hồ sơ của phông được thực hiện dễ dàng nhưng về lâu dài sổ đăng ký Mục lục hồ sơ là cần thiết. Cấu tạo của Sổ Đăng ký mục lục hồ sơ được quy định tại TCN – 05-1997 ban hành kèm theo Quyết định số 73/QĐ-KHKT ngày 04 tháng 8 năm 1997 của Cục Lưu trữ Nhà nước.

– Sổ thống kê danh sách các phông Lưu trữ: Trong sổ này sẽ thống kê các phông Lưu trữ trong kho Lưu trữ. Nội dung của loại công cụ này cần thể hiện được các thông tin như tên phông, số phông, thời gian của tài liệu, khối lượng tài liệu, tình trạng tài liệu, chế độ sử dụng…Tại Lưu trữ lịch sử tỉnh Bắc Kạn chưa có công cụ này nên khi cần thông tin tổng hợp về các phông, người làm lưu trữ sẽ phải tổng hợp từ những quyển mục lục hồ sơ và trong trường hợp cần thiết sẽ kiểm tra thực tế tài liệu đang bảo quản tại kho.

Ngoài những công cụ tra cứu đã nêu, tuỳ theo tình hình của kho lưu trữ và đặc điểm của các phông lưu trữ, có thể nghiên cứu xây dựng thêm những loại công cụ tra cứu khác để phục vụ tốt nhất cho việc tra tìm tài liệu.

Để tổ chức tài liệu của các Sở đã nộp vào Lưu trữ lịch sử tỉnh Bắc Kạn một cách khoa học cần kết hợp việc thực hiện các giải pháp về tổ chức bộ máy, nhân sự, tổ chức triển khai thực hiện các văn bản pháp luật, đầu tư cơ sở vật chất và trang thiết bị, đặc biệt việc nâng cao chất lượng hoạt động các nghiệp vụ thực hiện tổ chức khoa học tài liệu cần được chú trọng. Tài liệu lưu trữ của các sở đã nộp vào Lưu trữ lịch sử tỉnh Bắc Kạn chưa đầy đủ, cần phải thu thập bổ sung, cần được phân loại, xác định lại giá trị, xây dựng thêm công cụ tra cứu khoa học tài liệu.

Trong công cuộc đổi mới đất nước, các ngành, các lĩnh vực hoạt động có những đóng góp nhất định và luôn có sự cải tiến để vươn tới sự hoàn thiện, ngành lưu trữ cũng vậy. Hòa vào xu thế đó, công tác lưu trữ cần được quan tâm, đầu tư để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội. Tại Lưu trữ lịch sử tỉnh Bắc Kạn, công tác tổ chức khoa học tài liệu lưu trữ cần được quan tâm, đầu tư nhiều hơn nữa nhằm phát huy giá trị của tài liệu và góp phần vào sự phát triển chung của tỉnh./.

Hoàng Điệp