Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ Gửi thư In Tăng sáng Giảm sáng

Đạo đức công vụ trong thực thi nhiệm vụ của viên chức ngành Lưu trữ

( Cập nhật ngày: 05/04/2021 )

Đạo đức công vụ của người làm lưu trữ là hệ thống những nguyên tắc và chuẩn mực điều chỉnh và đánh giá hành vi, cách ứng xử của con người trong các mối quan hệ hình thành trong quá trình thực thi công tác lưu trữ tại cơ quan, tổ chức. Đạo đức công vụ sẽ giúp những người làm nghề lưu trữ nhận biết được việc làm đúng, sai, phải trái trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Chính vì vậy việc nâng cao đạo đức công vụ đối với người làm nghề lưu trữ nói chung và viên chức thuộc Trung tâm lưu trữ lịch sử tỉnh Bắc Kạn nói riêng là một việc làm hết sức quan trọng, không chỉ nâng cao chất lượng công tác lưu trữ mà từ đó góp phần nâng cao hiệu quả thực hiện nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị.

Ngày 20 tháng 4 năm 2016 Bộ Nội vụ đã ban hành Quyết định số 916/QĐ-BNV ban hành Quy tắc ứng xử và đạo đức nghề nghiệp đối với viên chức ngành lưu trữ. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng trong việc triển khai và thực hiện đạo đức công vụ đối với người làm lưu trữ. Quyết định nêu rõ những quy tắc, ứng xử, đạo đức nghề nghiệp trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao cũng như cách ứng xử với đồng nghiệp, cơ quan, tổ chức, cá nhân, ứng xử của lãnh đạo quản lý ngành lưu trữ đối với viên chức và cơ quan, tổ chức, cá nhân. Nâng cao ý thức, trách nhiệm của viên chức ngành Lưu trữ trong thi hành nhiệm vụ, quan hệ xã hội, công tác phòng, chống tham nhũng và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đồng thời nâng cao tinh thần trách nhiệm trong bảo vệ, bảo quản an toàn và phát huy giá trị tài liệu lưu trữ của cơ quan, đơn vị và của nhân dân. Đây là căn cứ để cơ quan, đơn vị đánh giá phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống của viên chức; xử lý trách nhiệm khi viên chức vi phạm trong thực hiện nhiệm vụ và trong quan hệ xã hội. Trong bài viết này xin được giới thiệu chi tiết những quy định của Quyết định số 916/QĐ-BNV, cụ thể như sau:

a, Ứng xử khi thực hiện nhiệm vụ được giao

* Những việc phải làm:

 Thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về nghĩa vụ của viên chức;

 Có ý thức tổ chức kỷ luật; chấp hành chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, nội quy, quy chế làm việc của cơ quan, đơn vị;

 Thực hiện đúng quy trình chuyên môn, nghiệp vụ đảm bảo nhanh chóng, chính xác, hiệu quả và bảo mật;

 Chấp hành nhiệm vụ được giao; chủ động, chịu trách nhiệm trong công việc;

 Đóng góp ý kiến trong hoạt động, điều hành của đơn vị nhằm bảo đảm thực hiện nhiệm vụ được giao đạt hiệu quả;

 Giữ uy tín, danh dự cho cơ quan, đơn vị, cho lãnh đạo và đồng nghiệp;

 Sử dụng trang phục, đeo thẻ viên chức đúng quy định;

 Nâng cao cảnh giác, không để lộ, lọt, mất bí mật nhà nước và bí mật công tác; không tùy tiện cho người không có trách nhiệm mượn, sao chụp tài liệu; không được tiêu hủy tài liệu khi không được phép; tác phong chuyên nghiệp, giải quyết công việc nhanh chóng, kịp thời, chính xác, khoa học, đúng thẩm quyền;

 Thường xuyên học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng giao tiếp, ứng xử và đạo đức nghề nghiệp.

* Những việc không được làm:

 Thiếu tinh thần trách nhiệm, thoái thác công việc hoặc nhiệm vụ được giao;

 Lạm dụng nhiệm vụ, quyền hạn được giao hoặc uy tín, danh tiếng của cơ quan, đơn vị, đồng nghiệp để giải quyết công việc cá nhân; tự đề cao vai trò của bản thân để vụ lợi;

 Phân biệt đối xử về dân tộc, giới tính, các thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo dưới mọi hình thức.

b, Ứng xử đối với đồng nghiệp

* Những việc phải làm:

 Trung thực, chân thành, đoàn kết, có tinh thần phối hợp, chia sẻ trách nhiệm, giúp đỡ lẫn nhau;

 Tự phê bình và phê bình khách quan, nghiêm túc, thẳng thắn, mang tính xây dựng;

 Tôn trọng và lắng nghe ý kiến của đồng nghiệp; phối hợp, trao đổi kinh nghiệm, học hỏi lẫn nhau trong thực hiện nhiệm vụ được giao;

 Phát hiện viên chức trong cơ quan, đơn vị thực hiện không nghiêm các quy định của pháp luật về nghĩa vụ của viên chức và phản ánh đến cấp có thẩm quyền, đồng thời chịu trách nhiệm cá nhân về những phản ánh đó.

* Những việc không được làm:

 Né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, khuyết Điểm của mình cho đồng nghiệp;

 Gây bè phái, chia rẽ nội bộ, cục bộ địa phương.

c, Ứng xử đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân

* Những việc phải làm:

 Lịch sự, hòa nhã, văn minh, chân thành và cởi mở khi giao tiếp trực tiếp hoặc gián tiếp qua các phương tiện thông tin;

 Bảo đảm thông tin trao đổi đúng với nội dung công việc mà cơ quan, tổ chức, cá nhân cần hướng dẫn, trả lời;

 Tuyên truyền, hướng dẫn cơ quan, tổ chức, cá nhân chấp hành nghiêm nội quy đơn vị, quy trình, quy định về chuyên môn, nghiệp vụ;

 Giữ gìn bí mật thông tin tài liệu liên quan đến bí mật của Đảng và Nhà nước, bí mật cơ quan, bí mật cá nhân theo quy định của pháp luật;

 Chia sẻ, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, hướng dẫn tận tình, chu đáo cho người đến liên hệ công tác;

 Tôn trọng, lắng nghe và tiếp thu ý kiến đóng góp của người đến liên hệ công tác.

* Những việc không được làm:

 Cửa quyền, hách dịch, sách nhiễu, trì hoãn, thờ ơ, gây khó khăn đối với tổ chức, cá nhân;

 Cố ý kéo dài thời gian khi thực hiện nhiệm vụ liên quan đến cơ quan, tổ chức, cá nhân;

 Có thái độ không đúng mực; gợi ý nhận tiền, quà biếu của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

d, Ứng xử của lãnh đạo, quản lý ngành Lưu trữ đối với viên chức và cơ quan, tổ chức, cá nhân

* Những việc phải làm:

 Phân công nhiệm vụ cho các đơn vị hợp lý, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của từng đơn vị;

 Đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, giao tiếp ứng xử của viên chức thuộc thẩm quyền quản lý; khen thưởng kịp thời viên chức có thành tích, xử lý kỷ luật nghiêm, khách quan đối với viên chức vi phạm theo quy định của pháp luật;

 Nắm bắt nhân thân, tâm tư, nguyện vọng của viên chức để có phương pháp Điều hành phù hợp nhằm phát huy khả năng, kinh nghiệm, tính sáng tạo, chủ động của từng cá nhân trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao;

 Thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, tạo Điều kiện trong học tập, nâng cao trình độ và phát huy tư duy sáng tạo, sáng kiến của viên chức;

 Tôn trọng, tạo niềm tin cho viên chức khi giao nhiệm vụ; có kế hoạch theo dõi, kiểm tra, tạo thuận lợi để viên chức thực hiện tốt nhiệm vụ;

 Lắng nghe ý kiến phản ánh của viên chức; bảo vệ danh dự, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của viên chức thuộc đơn vị quản lý;

 Gương mẫu trong lối sống đạo đức; xây dựng, giữ gìn sự đoàn kết và môi trường văn hóa trong đơn vị.

* Những việc không được làm:

 Chuyên quyền, độc đoán, phân biệt đối xử, xem thường cấp dưới, thiếu gương mẫu, nói không đi đôi với làm;

 Khen thưởng, xử lý hành vi vi phạm thiếu khách quan; tùy tiện khi nhận xét, đánh giá kết quả làm việc của cấp dưới;

 Cản trở, xử lý không đúng quy trình giải quyết khiếu nại, tố cáo; Tiết lộ họ tên, địa chỉ, bút tích hoặc các thông tin khác về người tố cáo.

e, Đạo đức nghề nghiệp

– Tuyệt đối giữ gìn bảo vệ bí mật của Đảng và Nhà nước trong thực hiện công tác lưu trữ; luôn cảnh giác, không để kẻ gian lợi dụng sơ hở để nắm được bí mật của Đảng, Nhà nước và cơ quan.

– Nghiêm cấm chiếm đoạt, làm hỏng, làm mất tài liệu lưu trữ.

– Nghiêm cấm làm giả, sửa chữa, làm sai lệch nội dung tài liệu lưu trữ.

– Nghiêm cấm mua bán, chuyển giao, hủy trái phép tài liệu lưu trữ.

– Nghiêm cấm sử dụng tài liệu lưu trữ vào Mục đích xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

– Nghiêm cấm mang tài liệu lưu trữ ra nước ngoài trái phép.

– Thường xuyên học tập và rèn luyện nhằm nâng cao trình độ, chuyên môn, nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp, kỹ năng giao tiếp, ứng xử.

– Có đạo đức, nhân cách và lối sống lành mạnh, trong sáng của viên chức, thực hiện cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư.

– Trung thực, khách quan, đoàn kết, khiêm tốn, phối hợp chặt chẽ với đồng nghiệp trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

– Tâm huyết với nghề, tận tụy, trách nhiệm với công việc, thận trọng, tỉ mỉ, cẩn thận trong công tác lưu trữ.

– Thực hiện thường xuyên, nghiêm túc việc tự phê bình và phê bình.

(Ảnh: Bác Hà Văn Viễn, cán bộ hưu trí đến khai thác tài liệu lưu trữ giai đoạn 1945-1960 của tỉnh Bắc Kạn)

Tài liệu lưu trữ được hình thành trong quá trình hoạt động của các cơ quan, tổ chức. Đây là những tài liệu chứa đựng những thông tin quá khứ phục vụ hoạt các hoạt động quản lý, trong đó có rất nhiều thông tin là bí mật của cơ quan, của ngành, của tỉnh, của Quốc gia. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ viên chức lưu trữ là người thường xuyên tiếp cận và khai thác thông tin chứa đựng trong tài liệu lưu trữ để phục vụ các nhu cầu sử dụng khác nhau của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Chính vì vậy, viên chức lưu trữ cần lịch sự, hòa nhã, văn minh, chân thành và cởi mở khi giao tiếp trực tiếp hoặc gián tiếp qua các phương tiện thông tin; bảo đảm thông tin trao đổi đúng với nội dung công việc mà cơ quan, tổ chức, cá nhân cần hướng dẫn, trả lời; tuyên truyền, hướng dẫn cơ quan, tổ chức, cá nhân chấp hành nghiêm nội quy đơn vị, quy trình, quy định về chuyên môn, nghiệp vụ; giữ gìn bí mật thông tin tài liệu liên quan đến bí mật của Đảng và Nhà nước, bí mật cơ quan, bí mật cá nhân theo quy định của pháp luật; chia sẻ, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, hướng dẫn tận tình, chu đáo cho người đến liên hệ công tác; tôn trọng, lắng nghe và tiếp thu ý kiến đóng góp của người đến liên hệ công tác.

Để thực hiện các quy tắc ứng xử và đạo đức nghề nghiệp đó, viên chức thuộc Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh Bắc Kạn cần không ngừng cố gắng nâng cao bản lĩnh chính trị, cảnh giác với các âm mưu, các thế lực thù địch, không để họ lợi dụng, chi phối, làm lộ thông tin bí mật của Nhà nước, không vì quyền lợi kinh tế, lợi ích cá nhân mà làm tổn hại đến cơ quan, Nhà nước. Nhận thức được tầm quan trọng đó, trong những năm gần đây, Lãnh đạo Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh Bắc Kạn luôn quan tâm, tuyên truyền, phổ biến đến với viên chức, người lao động trong đơn vị về những quy định, quy tắc ứng xử và đạo đức nghề nghiệp đối với viên chức ngành lưu trữ. Qua đó giúp cho viên chức, người lao động trong đơn vị trau dồi, học hỏi và thấm nhuần những quy tắc ứng xử đồng thời nhận thức được một cách chính xác nhất những chuẩn mực về đạo đức công vụ của người làm nghề lưu trữ từ đó điều chỉnh hành vi của mình sao cho phù hợp với những yêu cầu đòi hỏi ngày càng cao của nghề nghiệp./.

Hoàng Hiền