Công tác thương binh – liệt sĩ, quân nhân phục viên qua tài liệu lưu trữ tại Lưu trữ lịch sử tỉnh Bắc Kạn ( Cập nhật ngày: 27/07/2022 )Ngày Thương binh Liệt sĩ có ý nghĩa lịch sử, chính trị, xã hội sâu sắc. Ngày này thể hiện sự tiếp nối truyền thống “ hiếu nghĩa bác ái”, “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta; thể hiện sự biết ơn, trân trọng của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đối với những người đã cống hiến, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc và vì hạnh phúc của nhân dân. Nhân dịp kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh Liệt sĩ (27/7/1947 – 27/7/2022), Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh Bắc Kạn giới thiệu tới độc giả 02 văn bản của Uỷ ban hành chính tỉnh Bắc Kạn và Tỉnh đội Bắc Kạn về công tác thương binh – liệt sĩ, quân nhân phục viên thuộc Phông lưu trữ Uỷ ban hành chính tỉnh Bắc Kạn đang bảo quản tại Kho Lưu trữ lịch sử tỉnh Bắc Kạn. Báo cáo số 84/CT ngày 15 tháng 4 năm 1961 của Tỉnh đội Bắc Kạn về tình hình công tác thương binh liệt sĩ và quân nhân phục viên. Văn bản này gồm các nội dung chính sau: Sự trưởng thành của quân đội trong mấy năm hoà bình; yêu cầu và nhiệm vụ đối với quân nhân phục viên xuất ngũ khi về địa phương; chấp hành và thực hiện chính sách thương binh liệt sĩ và quân nhân phục viên; yêu cầu và nhiệm vụ (Tiếp tục làm nghĩa vụ quân sự trong hàng ngũ dân quân, tự vệ, quân dự bị; nghiêm chỉnh và gương mẫu chấp hành mọi chính sách của đảng và chăm chỉ lao động sản xuất; cần phát huy truyền thống tốt đẹp của người quân nhân cách mạng, đề phòng tư tưởng chủ quan, kém đoàn kết, thoả mãn với trình độ chính trị quân sự của bản thân…).
Báo cáo số 33 NC/PV ngày 10 tháng 01 năm 1962 của Uỷ ban hành chính tỉnh Bắc Kạn về công tác xác nhận và ghi công liệt sĩ: Văn bản này đã cung cấp những thông tin về việc xác nhận và ghi công liệt sĩ, đồng thời nói về một số tồn tại trong công tác này. Cụ thể như sau: “Tính đến ngày 31/12/1961 tỉnh Bắc Kạn đã giải quyết 327 trường hợp là tử sĩ, mất tin, mất tích và liệt sĩ (gồm liệt sĩ bộ đội, cán bộ và du kích)”. Về việc xác nhận, văn bản này đã nêu rõ số lượng quân nhân mất tin, mất tích; quân nhân từ trần; liệt sĩ bộ đội; liệt sĩ cán bộ; liệt sĩ du kích; những trường hợp khác. Về việc ghi công liệt sĩ, nội dung của Báo cáo này đã nêu rõ rằng trong số 242 liệt sĩ đã được xác nhận có 214 trường hợp đã được Thủ tướng Phủ tặng Bằng tổ quốc ghi công, 26 trường hợp tỉnh đã gửi danh sách kèm “Phiếu kiểm soát hồ sơ” đề nghị tặng Bằng tổ quốc ghi công, 2 trường hợp đã chuyển hồ sơ về tỉnh Nam Định và Hải Phòng đề nghị xét tặng Bằng Tổ quốc ghi công. Qua nội dung của các văn bản trên, chúng ta thấy được rằng Đảng và Nhà nước ta đã luôn quan tâm đến công tác thương binh – liệt sĩ, quân nhân phục viên. Trong 75 năm qua, công tác này đã đạt được nhiều kết quả trong việc hoàn thiện thể chế chính sách về công tác này; xác nhận và công nhận người có công với cách mạng; chăm sóc đời sống gia đình thương binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng; tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ; xây dựng, tu bổ nghĩa trang, công trình tưởng niệm liệt sĩ; nâng cấp các cơ sở nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công với cách mạng. Những kết quả đó sẽ tiếp tục được phát huy trong thời gian tới./. Hoàng Điệp
|